(HNM) - Tiếng búa máy chan chát từ những công trình xây dựng, tiếng nhạc ầm ĩ từ các siêu thị điện máy, tiếng còi inh ỏi từ các phương tiện giao thông..., tiếng ồn đô thị đang làm chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của người dân Thủ đô bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ở Hà Nội, đâu đâu cũng có tiếng ồn. Ngồi trên xe khách, trong rạp chiếu phim, sân bay..., không ít người bật loa ngoài điện thoại, ảnh hưởng tới những người xung quanh. Với nhiều người, tiếng ồn đã trở thành nỗi ám ảnh.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng (tổ 17, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) cho biết: "Mỗi ngày tôi phải di chuyển hơn 15km. Tham gia giao thông căng thẳng lắm, không chỉ bởi tắc đường mà còn bởi tiếng ồn. Nhiều khi mình dừng chờ đèn đỏ mà người phía sau cứ bấm còi inh ỏi. Về nhà cũng mệt mỏi vì lại phải nghe tiếng nhạc ồn ào từ lớp aerobic ở nhà văn hóa bên cạnh".
Nhiều lái xe có thói quen bấm còi mỗi khi giao thông ùn ứ làm ảnh hưởng đến thính lực người dân. Ảnh: Mạnh Hà |
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) được thực hiện tại 12 đường và nút giao thông chính ở Hà Nội vào năm 2017, tiếng ồn trung bình vào ban ngày đạt mức 77,8 đến 78,1dBA, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1dBA. Tiếng ồn trung bình vào ban đêm là 65,3-75,7dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10 đến 20dBA).
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng trung ương, cường độ âm thanh bình thường mà tai có thể nghe được là từ 0dBA đến khoảng 100dBA. Mức âm thanh giao tiếp trung bình khoảng 30-60dBA.
"Nếu nghe âm thanh cường độ khoảng 70dBA thì con người dễ mệt mỏi, cáu gắt, giảm tập trung, đau nửa đầu... Nếu vượt quá 90dBA thì tế bào thần kinh thính giác bị tổn thương, thậm chí bị thủng màng nhĩ", bà Dinh cho biết.
Điều đáng nói là, hiện nay, nhiều bạn trẻ đang tự "tra tấn" mình bằng tai nghe (headphone). Họ nghe nhạc bằng headphone khi ăn, ngủ, chơi với âm lượng rất lớn nên thính lực bị suy giảm nghiêm trọng.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dinh, hiện nay, y học chưa giúp cải thiện được tình trạng điếc do tiếng ồn nên bệnh nhân phải chịu đựng tình trạng điếc vĩnh viễn. Còn theo Thạc sĩ Hà Lan Phương (Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường), khi chịu đựng tiếng ồn có cường độ 50dBA trong khoảng thời gian dài, hiệu suất làm việc của con người sẽ bị suy giảm; tiếng ồn 70dBA có thể làm tăng nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, ảnh hưởng đến dạ dày; tiếng ồn 90dBA sẽ gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh.
Để giảm hệ lụy từ tiếng ồn, nhiều quốc gia ban hành quy định khắt khe về vấn đề này. Tại Hàn Quốc, đường phố hầu như không có tiếng còi xe và để bảo vệ dân cư sống gần khu vực có đường cao tốc đi qua, chính quyền cho xây tường cao và trồng nhiều cây xanh hai bên đường. Bên cạnh đó, Hàn Quốc có cơ chế khuyến khích người dân đo độ ồn tại nơi mình sống và báo với chính quyền nếu độ ồn vượt mức cho phép để có biện pháp xử lý ngay lập tức.
Tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, dù được coi là một dạng ô nhiễm môi trường nguy hại nhưng vấn đề tiếng ồn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chế tài liên quan tới quy chuẩn tiếng ồn được quy định tại Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT và Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có nêu, hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn từ 5dBA đến 40dBA sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 160 triệu đồng, với mức vi phạm nặng hơn, cơ sở vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 đến 12 tháng. Tuy nhiên, việc xử phạt các chủ thể gây tiếng ồn còn rất khiêm tốn.
Bà Hà Lan Phương cho rằng, cần phải giảm tiếng ồn từ các phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể là tăng cường hệ thống giao thông công cộng, cấm các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn hoạt động. Ngoài ra, cần trồng nhiều cây xanh ở hai bên đường…
Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp nói trên, rất cần sự vào cuộc của mỗi người với hành động cụ thể như: Khi tổ chức tiệc mừng, đám cưới... cần hạn chế tối đa việc sử dụng loa đài công suất lớn; khi tham gia giao thông, tránh sử dụng còi; khi ở nơi công cộng, không sử dụng loa ngoài của điện thoại, máy tính bảng... Những hành vi văn minh hằng ngày của từng cá nhân sẽ giúp hình thành văn hóa ứng xử trong cộng đồng, góp phần để Thủ đô thêm đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.