(HNMO) - Trước diễn biến phức tạp của bão Noru, các địa phương có thể bị ảnh hưởng, trọng tâm là các tỉnh từ Quảng Trị tới Bình Thuận, đang khẩn trương triển khai công tác phòng, chống nhằm giảm thiểu thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản.
Sẵn sàng phương án sơ tán hơn 93 nghìn hộ dân
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (màu đỏ) với thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; cấp 3 với các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Kon Tum.
Mặc dù cơn bão còn cách xa đất liền, những ngày qua, tại một số địa phương đã có mưa to, gây ngập úng cục bộ trên nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, thủy sản và làm sạt lở tại một số khu vực ven đồi núi, đường giao thông.
Trước diễn biến phức tạp được dự kiến của cơn bão Noru, những địa phương nói trên, đặc biệt là các tỉnh, thành phố ven biển đã khẩn trương có biện pháp quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, theo dõi tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có các tình huống...
Theo ông Phạm Đức Luận, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, đến trưa 25-9, đã tổ chức kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 57.800 tàu với 300.000 lao động. Trong đó, hoạt động trong khu vực Bắc Biển Đông, giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là 739 tàu/7.455 người. Hiện còn 127 tàu (nhiều nhất là tỉnh Bình Định 100 tàu) đang ở trong vùng nguy hiểm, trong 24 giờ tới cần phải kêu gọi vào bờ.
Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã tiến hành rà soát phương án sơ tán dân với tổng số 213.914 hộ/868.230 người, trong đó, các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tùy theo diễn biến của bão.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện lệnh cấm biển đối với tất cả các phương tiện tàu thuyền khai thác, đánh bắt trên biển và vùng đầm phá. Đến 9h ngày 25-9, toàn tỉnh còn 17 phương tiện với 156 lao động hoạt động thủy sản trên biển; dự kiến trong sáng ngày 26-9 sẽ vào bờ. Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế có phương án đảm bảo an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại các cảng Thuận An, Chân Mây, tránh va trôi. Tỉnh đã xây dựng phương án di dời 26.255 hộ với 99.424 khẩu để đối phó với nước dâng do bão, lũ lụt.
Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực, thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai với số lượng 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo.
UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các địa phương của tỉnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 19h ngày 25-9. Công tác sơ tán dân tránh bão phải hoàn thành trước 15h ngày 27-9. Theo UBND tỉnh Quảng Trị, tất cả chủ của 2.302 tàu thuyền với 6.136 thuyền viên của tỉnh Quảng Trị đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão Noru. Tỉnh đã có 2.295 tàu thuyền với 6.075 thuyền viên neo đậu an toàn tại bến; số tàu thuyền còn lại đang hoạt động trên biển.
Bên cạnh các biện pháp phòng, tránh bão khu vực ven biển, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đặc biệt yêu cầu các địa phương vùng núi rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu.
Di dời tàu buôn bán xăng dầu trên biển để phòng cháy nổ
Trước cảnh báo về việc Phú Yên nằm trong khu vực có mức độ rủi ro do thiên tai ở cấp độ 3, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế đã yêu cầu các địa phương không được chủ quan mà cần phải xây dựng cụ thể, chi tiết các kịch bản để ứng phó. Chính quyền địa phương sớm thông báo cho các chủ lồng bè nuôi thủy sản chằng néo hoặc đưa vào khu vực an toàn. Trước khi bão vào đất liền, tuyệt đối không được để người ở lại trên các lồng bè này. Những nơi trước đây đã xảy ra ngập lụt cần chủ động lên phương án sơ tán người dân khi cần thiết.
Tính đến 9h ngày 25-9, tỉnh Phú Yên còn 387 tàu cá với 2.250 lao động đang hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển. Tất cả chủ các phương tiện trên đều đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến cơn bão Noru để chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Từ ngày 26-9, tỉnh Phú Yên sẽ không cho tàu thuyền ra khơi.
Tại Đà Nẵng, địa phương có cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4, chiều 25-9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan đã kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Báo cáo với đoàn kiểm tra, Thượng tá Hồ Sỹ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh, ngày 25-9, có 18 tàu buôn bán xăng dầu đã được di dời ra khỏi khu vực âu thuyền để phòng, chống cháy nổ.
Vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã kiểm đếm được hơn 1.200 tàu cá vào neo đậu tại âu thuyền. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng đang tiếp tục phối hợp với Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung neo đậu, trú bão an toàn trong âu thuyền. Trong số 35 tàu vẫn hoạt động trên biển, có 7 tàu gần bờ, số còn lại đang được hướng dẫn để ngư dân thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và đang dịch chuyển vào khu vực an toàn.
UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu các lực lượng chức năng bố trí lực lượng thường trực phòng cháy, chữa cháy khi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang không để xảy ra tai nạn, cháy nổ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.