(HNM) - Ngày 3-3, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cho biết, lực lượng cảnh sát ở Nam Phi và Trung Quốc đã thu giữ hàng nghìn liều vắc xin ngừa Covid-19 giả. Cơ quan này cho rằng đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” về thực trạng buôn bán vắc xin ngừa Covid-19 giả hiện nay, đồng thời lên tiếng cảnh báo các quốc gia cần sẵn sàng ứng phó.
Theo Interpol, ở thời điểm phát hiện vụ việc, lô hàng gồm 2.400 liều vắc xin ngừa Covid-19 giả đã đi được 6.000 dặm từ Trung Quốc sang Nam Phi. Tại địa điểm tàng trữ hàng trái phép ở Nam Phi, cảnh sát cũng phát hiện một lượng lớn khẩu trang y tế N95 giả mạo thương hiệu 3M và đã bắt giữ 4 nghi phạm người Trung Quốc, Zambia. Đột kích xưởng sản xuất vắc xin Covid-19 giả tại Kushan (Trung Quốc), cảnh sát cũng thu giữ 3.000 liều vắc xin giả và bắt giữ 80 nghi phạm. Điều tra mở rộng, cơ quan chức năng còn khám phá thêm một đường dây buôn bán vắc xin Covid-19 giả ở Trung Quốc, hoạt động từ tháng 11-2020.
Trước vụ buôn vắc xin giả liên châu lục đầu tiên bị bắt giữ, Interpol nhận định, những gì thu giữ được mới là một phần nhỏ của “những tội ác liên quan tới vắc xin Covid-19”. Tháng 12-2020, trong “Thông báo màu cam” gửi tới các cơ quan thực thi pháp luật của 194 nước thành viên, Interpol đánh giá có những đường dây tội phạm đang cố gắng thâm nhập và gây gián đoạn hoạt động của chuỗi cung ứng và tiêm chủng vắc xin Covid-19, do đó đề nghị các quốc gia cần sẵn sàng ứng phó.
Theo giới phân tích, mặc dù tới nay vắc xin ngừa Covid-19 giả mạo chưa gây ra những cái chết thương tâm, nhưng nó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Vắc xin giả có thể khiến mọi người mất niềm tin vào các tổ chức y tế công cộng đang cố gắng bảo vệ họ khỏi bệnh tật, đồng thời gây tổn hại tới uy tín những sản phẩm chính hãng đã trải qua các khâu thử nghiệm khắt khe và được phê duyệt lưu hành. Vắc xin giả cũng khiến "cơ chế đi lại an toàn" giữa các quốc gia có nguy cơ bị đổ vỡ.
Lượng vắc xin giả thường đến tay người tiêu dùng thông qua mạng internet hoặc các kênh thông tin không chính thức, đặc biệt tại các nước không có đủ nguồn cung vắc xin Covid-19. Chuyên gia về chuỗi cung ứng chăm sóc sức khỏe của Trường Đại học Harvard (Mỹ) Prashant Yadav cho rằng, vắc xin giả có thể xâm nhập vào chuỗi cung ứng ở cả giai đoạn đầu - khi vắc xin được vận chuyển từ nơi sản xuất tới các sân bay, cũng như ở giai đoạn cuối - khi vắc xin được phân phối tới các phòng khám. Do đặc thù việc vận chuyển vắc xin phải dùng xe đông lạnh nên việc phát hiện, triệt phá các ổ nhóm tội phạm này cũng dễ dàng hơn. Cũng theo Interpol, tới thời điểm hiện tại, chưa có tình trạng vắc xin Covid-19 đã được phê chuẩn nào được rao bán qua các kênh mạng xã hội.
Trưởng nhóm hành động của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về các sự cố và sản phẩm y tế không đạt tiêu chuẩn và giả mạo Pernette Bourdillon Esteve khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng về hiện tượng vắc xin giả. Chuyên gia này khẳng định, mạng lưới kinh doanh vắc xin Covid-19 giả sẽ không ảnh hưởng đến các chương trình tiêm phòng được vận hành bởi các công ty uy tín và chính phủ các nước - những chủ thể đang sở hữu vắc xin ngừa Covid-19 thật.
Cùng với các nỗ lực bảo đảm chất lượng và nguồn cung vắc xin ngừa Covid-19, chính phủ các nước cũng như các tổ chức quốc tế - trong đó có Cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu (COVAX) của WHO, đang dồn sức phá vỡ sự bất cân xứng cung - cầu, bảo đảm phân phối vắc xin Covid-19 công bằng, hiệu quả. Trong bối cảnh đó, người dân cần giữ vững niềm tin, kiên quyết tẩy chay các sản phẩm y tế giả mạo nói chung và vắc xin giả nói riêng, qua đó góp sức vào nỗ lực đẩy lùi đại dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.