Theo dõi Báo Hànộimới trên

Úng ngập còn vì... rác thải!

Hà Phạm| 20/07/2018 07:15

(HNM) - Mỗi khi mưa xuống, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lại bị úng ngập kéo dài. Một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng này là nhiều miệng cống tiêu thoát bị rác thải che kín...

Ghi nhận tại các tuyến đường như: Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), Cách Mạng Tháng Tám, Võ Văn Tần (quận 3)…, không ít miệng cống thoát nước bị rác thải sinh hoạt che kín. Chị Nguyễn Hoàng Quyên (ở đường Lý Thái Tổ, quận 10) cho hay, hầu như các miệng cống thoát nước dọc tuyến đường đều có rác thải bịt kín nên khi mưa to, nước ứ đọng gây ngập.

Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai lắp đặt cửa thu nước ngăn mùi hôi và rác thải trên nhiều tuyến đường.


Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh, tính đến giữa năm 2018, trên địa bàn thành phố còn 77 vị trí tuyến cống bị lấn chiếm, 65 vị trí bị lấn chiếm hầm ga và 46 vị trí bị lấn chiếm cửa xả. Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố đã nạo vét gần 500.000km lòng cống thoát nước, duy tu nạo vét 61 tuyến (hơn 12km) kênh rạch và cửa xả, sửa chữa 1.740 hầm ga, thay 727 cống bị xuống cấp có khả năng sụp... Từ đầu năm đến nay tiếp nhận thêm 12 tuyến cống với chiều dài hơn 25km đã giúp tăng năng lực thoát nước. Tuy nhiên, hoạt động xử lý các trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước còn chậm, cần được xử lý dứt điểm và quyết liệt thời gian tới.

Theo dự báo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, đến năm 2020, mỗi ngày có khoảng 10.100 tấn rác thải sinh hoạt, riêng khu vực công cộng chiếm đến 2.300 tấn rác. Nếu lượng rác này không được thu gom, xử lý sẽ là nguyên nhân gây ô nhiễm và ngập úng trên địa bàn thành phố.

GS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nhận định, việc xả rác bừa bãi đã gây tắc cống và làm giảm năng lực thoát nước. Do đó, muốn giảm tình trạng này, quan trọng nhất là phải tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân và tăng mức phạt đối với hành vi xả rác trái quy định.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh (Trung tâm chống ngập), hiện thành phố có khoảng 175 tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng xả rác gây tắc dòng chảy khi mưa. Vì vậy, Trung tâm chống ngập rất mong chính quyền các quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường, chú trọng bỏ rác đúng nơi quy định...

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, thành phố đang lắp thêm hệ thống camera ở các khu vực công cộng để có căn cứ xử lý người xả rác bừa bãi. Theo quy định mới, hành vi xả rác không đúng quy định có mức phạt thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất là 7 triệu đồng. Trách nhiệm xử lý đã giao cụ thể cho các quận, huyện, xã, phường và ngành Tài nguyên và Môi trường thành phố.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, để giải quyết tình trạng xả rác tại các hố ga, cần triển khai việc lắp đặt miệng hố ga ngăn mùi, ngăn xả rác. Qua thí điểm ở một số tuyến đường trên địa bàn thành phố như: Trương Định (quận 1, 3), Vĩnh Khánh (quận 4) và Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp), UBND thành phố đánh giá loại cửa thu nước, ngăn mùi hôi do Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị sản xuất và lắp đặt đã khắc phục được các nhược điểm như ngăn được mùi hôi, ngăn rác đổ xuống miệng cống, tăng khả năng thoát nước, giảm ngập, dễ duy tu bảo dưỡng. Theo lộ trình thay thế miệng cống thoát nước truyền thống, TP Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên triển khai tại các vùng thường xuyên ngập úng; khu vực tập trung đông người… nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn giao thông cũng như mỹ quan đô thị.n

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Úng ngập còn vì... rác thải!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.