Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng phong thủy trong lựa chọn nhà ở

Mr. Địa Lâm| 25/04/2011 10:55

(HNNN) - Để tìm hiểu thêm về cách ứng dụng phong thủy trong việc lựa chọn nhà ở theo các sách cẩm nang hướng dẫn phong thủy, xin điểm qua một vài nội dung chính mà cuốn sách: Nghiên cứu văn hóa truyền thống - bí quyết phong thủy của Nhà Xuất bản Thanh Hóa năm 2010 nêu ra mối quan hệ giữa hoàn cảnh khách quan và nhà ở để độc giả xem xét, cân nhắc, quyết định liệu có thể áp dụng những bí kíp này vào đời sống hàng ngày không (từ trang 22 - 34).

1. Nhà dựng ở vách đầu núi hoặc cửa khe suối chảy ra thì hung (xấu). Chỗ vách núi giao tiếp với đầu núi và đất bằng cạnh dòng chảy từ khe núi ra ẩn chứa nguy hiểm tiềm tàng, gây nên tai họa.

* Điều này hoàn toàn đúng với thực tế vì với những ngôi nhà nằm ở vị trí như vậy sẽ luôn bị những vụ lở đất đá, lũ quét, trôi bùn đe dọa tính mạng và tài sản. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ lưỡng thì không phải người dân không nhận thức được nguy hiểm rình rập mà họ không có cách nào khác và cũng không có chỗ khác để sinh sống an toàn hơn, vì những chỗ nguy hiểm đó vẫn là quê hương bao đời của họ. Vấn đề cần bàn là nhà chức trách, nhà khoa học phải tìm ra những giải pháp cụ thể, hiệu quả và cảnh báo nhanh chóng, chính xác để giúp người dân phòng tránh an toàn, giảm thiểu thiệt hại về con người và của cải. Tiếc rằng điều này lại ở ngoài phạm vi của phong thủy.

2. Nhà ở ngay đầu đường - đại hung: Vị trí này phân thành hai loại đầu và cuối hình chữ T. Nhà đầu đường chữ T gặp bão, sức gió quá mạnh hoặc gặp hỏa hoạn rất nghiêm trọng. Còn loại ở cuối đường lúc nào cũng cảm thấy không tiện khi phải đi qua nhà khác, khi hỏa hoạn khó chạy thoát và xin phép xây dựng không dễ, kiến trúc bị hạn chế.

* Đã gặp gió bão và hỏa hoạn thì nhà ở đâu cũng nguy hiểm cả, còn nhà ở đầu hay cuối chữ T có nguy hiểm hơn hay không còn phải phụ thuộc vào hướng gió, kiến trúc xây dựng, độ bền vững và phương tiện chữa cháy. Sự bất tiện mà sách nêu trên thì hiện tại vẫn là chuyện thường ngày ở các xóm trọ sinh viên, các khu nhà tập thể hay các chung cư mini mới xây. Yêu cầu về nhà ở và nơi sinh hoạt hiện nay rất khó khăn, thiếu thốn nên hầu hết cả người đầu tư xây dựng và người mua, thuê nhà không cần kén chọn kiến trúc, cái chính là hợp túi tiền và thuận tiện cho công việc. Vì thế, nhà tập thể chữ T hay chữ Y, chữ Z vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người lao động bình thường.

3. Mặt phía Tây nhà ở có đường lớn - cát (tốt): Căn cứ vào dương trạch cực bí pháp có hai ưu điểm lớn là tăng thêm sự kín đáo riêng tư của gia đình và đất cát có thể sử dụng một cách hiệu quả, đầy đủ.

* Nhận định này của tác giả phong thủy thật khó hiểu và mông lung. Sự kín đáo riêng tư của mỗi gia đình phụ thuộc vào cách sống và sinh hoạt của họ, dù có đường lớn phía Tây hay Đông đều không thể tác động được (vì thế mới là kín đáo, riêng tư). Còn việc sử dụng diện tích đất đai hiệu quả thế nào thì phụ thuộc vào kiến trúc, xây dựng ngay từ khi khởi móng. Nếu như mua nhà đã có sẵn như thế rồi thì đường lớn hay nhỏ cũng vậy, làm sao trở thành chất bán dẫn làm giảm riêng tư của gia đình?

4. Trước cửa nhà có cây to - hung: Căn cứ cực bí pháp dương trạch, trước nhà có cây to là tướng gây tai, rước họa vì cây to không chỉ trở ngại dương khí lọt vào mà còn cản đường đi của âm khí. Ngoài ra còn đề phòng mưa to, sấm sét lá rụng xuống làm mất cảnh quan đẹp. Nếu nhà có ô tô ra vào sẽ bất tiện. Thế nhưng phía Tây Bắc mảnh đất có cây to - cát vì theo gia tướng học, phía Tây Bắc cao là cát sẽ giữ cho trong nhà hạnh phúc.

* Cùng một cái cây nhưng mọc chỗ này xấu, chỗ kia lại tốt mà cơ sở chỉ là sách bí kíp bảo thế? Cả thế giới này cùng lắm cũng chỉ phẳng thôi chứ làm sao chỉ một phía cao, một phía thấp? Không có cây nào to đến mức nuốt chửng được cả cái nhà (trừ phi đó là cây bao báp châu Phi) và cũng không có cây nào trùm kín như bưng đến nỗi ban ngày ngăn hết O2 ở ngoài, ban đêm nhả toàn CO2 vào nhà! Nói chung ai cũng biết cây xanh tốt cho sức khỏe và môi trường thế nào, những vấn đề lặt vặt như lá rụng, cành rơi thì hễ đâu có cây là chuyện đó xảy ra, phải chấp nhận. Và ô tô khó ra vào còn tùy thuộc kích thước cổng, vị trí của gara, không phải lỗi của cây. Vì tác giả không nói rõ khoảng cách bao nhiêu mét thì gọi là trước nhà, vậy nói thêm rằng, nhiều gia đình ở thành phố cũng mong có cây to mọc phía trước nhà (ở vỉa hè) để mở quán nước trà kiếm thêm đồng ra đồng vào, thế chẳng phải cát ư?

5. Con cái thành gia thất vẫn ở chung một nhà - hung: Căn cứ vào lạc địa chuẩn tắc thì điều này sẽ làm gia đạo suy yếu. Nếu như sau khi thành gia thất mà vẫn phải ở chung với bố mẹ và anh cả thì cần tìm cách giảm bớt những nơi sử dụng chung, nhà tắm, nhà xí càng cần xây riêng để mọi người đều thuận tiện.

* Không riêng gì ở Việt Nam mà ngay cả những nước Á Đông khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc còn rất nhiều đại gia đình chung sống trong một nhà theo kiểu tam - tứ - ngũ đại đồng đường. Lý do không phải là họ thích như thế mà vì không có điều kiện mua được nhà khác hoặc thậm chí tiền thuê nhà cũng không đủ, chẳng nhẽ bố mẹ lại quyết tâm đuổi con cháu ra khỏi nhà, sống chết mặc bay? Mà không phải tất cả những gia đình đang sống chung đó đều hung! Cuộc sống hài hòa, phù hợp với nhau hay không tùy thuộc vào truyền thống gia phong, nền nếp, cách cầm cân nảy mực của người chủ gia đình chứ không phải sử dụng cái nhà tắm hay W.C. Ngược lại rất nhiều gia đình giàu có, con cái mỗi người mỗi cơ ngơi riêng nhưng bỏ mặc bố mẹ, không quan tâm, chăm sóc, chỉ đợi cơ hội đòi chia chác tài sản! Ở riêng như thế rõ ràng hung hơn nhiều?

6. Xây nhà to trên mặt đất hẹp và dài - hung: Theo dương trạch bí truyền tập, đất xây dựng dài và hẹp, khổ rộng và to là hung. Nó không chỉ là mỹ quan mà còn liên quan đến vấn đề không đảm bảo an toàn. Khi xảy ra hỏa hoạn, loại nhà này sát với nhà hàng xóm không dễ dập tắt lửa.

* Phải thừa nhận công tác phòng cháy, chữa cháy của sách bí truyền rất tốt, nhà nào cũng nhắc nhở phòng hỏa. Tuy nhiên thời hiện đại bây giờ việc chữa cháy hiệu quả hay không phải liên quan đến nhiều yếu tố như phương tiện chữa cháy, lối dẫn vào nơi bị cháy có thuận tiện hay khó khăn chứ không vì nhà hẹp hay dài. Hơn nữa, sự bền vững của ngôi nhà là do địa chất, kỹ thuật xây dựng, làm móng chứ không vì kích thước của mảnh đất.

7. Trong sân nhà trồng cây lớn, đào ao - hung: Diện tích của cây làm sân hẹp lại, cây cản trở ánh sáng mặt trời chiếu xạ, lại phải tốn tiền duy trì, bảo dưỡng cây. Còn nếu trong sân có ao làm độ ẩm trong nhà tăng nhiều, có hại cho sức khỏe.

* Quy định phong thủy kiểu này chắc sẽ gây mâu thuẫn với những nhà phong thủy đang giúp các đại gia thiết kế biệt thự có vườn cây hóng mát, bể bơi, bể cá cảnh (còn ẩm gấp trăm lần một cái ao nhỏ). Hiện nay trong bối cảnh khí hậu thay đổi, môi trường ô nhiễm, con người cần tạo ra càng nhiều không gian xanh càng tốt, vậy không hiểu vì sao sách phong thủy lại cho rằng, cây cối gây hung chỉ vì hẹp diện tích và tốn tiền cắt tỉa cành? Quan niệm phản khoa học như thế mà được gọi là bí quyết?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng phong thủy trong lựa chọn nhà ở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.