(HNMO) - Báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, chính phủ các nước đang tích cực sử dụng internet vạn vật (IoT) nhằm phục vụ công dân của mình tốt hơn.
WB khẳng định, không khó để nhận biết IoT sẽ thay đổi nhiều thứ, từ các đầu cảm biến trong thang máy cảnh báo cho các cơ quan biết rủi ro trong sử dụng, cho tới số liệu lấy từ cặp sách của học sinh nhằm đảm bảo an toàn cho các em, hay các xe chở rác thông minh giúp tiết kiệm ngân sách cho chính quyền thành phố. Vì thế, trong thời gian gần đây giới doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách đã quan tâm nhiều tới IoT. Nhiều báo cáo đã nêu ví dụ về các mô hình hàng tỉ, thậm chí hàng nghìn tỉ thiết bị đã được kết nối với nhau, mở ra cơ hội thay đổi mọi hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, cũng theo WB, những nỗ lực đang gặp phải một số cản trở nhất định như: có rất ít sáng kiến vượt qua khỏi giai đoạn thí điểm; mô hình kinh doanh chưa phát triển đủ mức để duy trì hạ tầng IoT lâu dài; và bối cảnh chính trị ở một số nước còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Báo cáo nêu một số ví dụ cụ thể tại Đức, Canada, Anh, Estonia, Kazakhstan, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Các tiểu vương quốc Ả rập, cho thấy hầu hết các cơ quan chính phủ vẫn còn khá xa lạ với IoT, cũng như cách thức áp dụng chúng vào công việc chức năng của họ. Tuy nhiên, mỗi cơ quan đều mong muốn học tập các sáng kiến từ chính phủ các nước khác, trong đó tập trung vào việc xác định rõ các nỗ lực thành, bại và những ảnh hưởng cụ thể đến kế hoạch của họ.
Báo cáo cho biết đã chứng kiến nhiều sáng kiến mới có đề cập tới IoT, nhưng hầu như không được nhân rộng, ngay cả tại các nước phát triển. Trong khi đó, hầu hết các chính sách về IoT mới dừng lại ở cấp độ quốc gia chứ chưa vươn tới cấp địa phương và thường khá hạn chế. Mặt khác, hầu hết các ứng dụng thí điểm chưa xem xét đầy đủ cơ hội và rủi ro đi kèm IoT. Các nước thường áp dụng cách tiếp cận “đợi, làm, và học”. Các mô hình kinh doanh vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu – Nhiều dự án vẫn còn trong giai đoạn thí điểm và chưa tìm ra mô hình cấp vốn dài hạn.
Theo WB, một số ví dụ về triển khai IoT hiệu quả nhất hiện nay cho thấy, cần phải có hạ tầng công cộng và khung pháp quy/chính sách đi kèm. Điều đó đồng nghĩa rằng bản thân chính phủ các nước giữ vai trò quan trọng quy định tới sự thành, bại của các sáng kiến IoT.
WB cũng chỉ ra rằng, tình trạng thiếu kỹ năng và kiến thức về IoT trên mặt bằng chung hiện nay là khá nghiêm trọng, dù sở hữu tư duy kỹ thuật số là điều bắt buộc để có thể sử dụng tốt IoT. Mặt khác, hầu hết các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tư nhân còn thiếu kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng quản lý, nhất là kỹ năng phân tích. Vì điều này, mạng lưới IoT cơ bản chưa phát triển, ngay cả tại các nước phát triển. Mặt khác, dù cho quản lý số liệu là vấn đề cốt lõi của IoT nhưng hầu hết các nước vẫn còn đang vật lộn với vấn đề cơ bản liên quan đến công tác thu thập, truy cập, quản lý và xác định giá trị số liệu...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.