Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng đa mục tiêu

Tuấn Lương| 25/11/2013 06:33

(HNM) - Lần đầu tiên, một hệ thống kiểm soát giao thông thông minh (ITS) đã được Bộ Giao thông - Vận tải đưa vào khai thác trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.



Mục tiêu của dự án là nhằm quản lý, giám sát phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến một cách hiệu quả, giảm thiểu tai nạn giao thông, tránh ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ đường. Thời gian tới, mô hình này sẽ được áp dụng trên nhiều tuyến quốc lộ, đường cao tốc mới.

Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.


Kiểm soát mọi diễn biến giao thông

Hệ thống ITS hiện đại lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam được đặt tại Trung tâm Điều hành đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chính thức đi vào hoạt động từ giữa tháng 10-2013. Theo ông Bùi Đình Tuấn - Giám đốc Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam, hệ thống này được thực hiện bởi cơ chế tự động nhận dạng biển số xe bằng camera, tự động phân loại xe bằng hồng ngoại và camera kiểm soát tại các làn ra, vào tuyến đường. Theo đó, tất cả phương tiện khi vào đường cao tốc đều được nhận dạng, mã hóa dữ liệu liên quan như thời gian vào, tên trạm vào, biển kiểm soát, loại xe… lưu trên thẻ kiểm soát RFID và phát cho chủ phương tiện. Trước khi phương tiện đi ra đường cao tốc, lái xe sẽ trả thẻ kiểm soát cho nhân viên thu phí, đồng thời thiết bị đọc sẽ đọc dữ liệu trên thẻ và máy tính đưa ra mức phí phải trả dựa trên loại xe, số kilômét phương tiện đã đi. Sau khi nhận tiền, máy tính sẽ in hóa đơn (vé cước phí) và mở barie cho phương tiện qua. Với việc triển khai hình thức thu phí kín, sử dụng thẻ RFID, phương tiện qua trạm sẽ bỏ được công đoạn kiểm tra, soát vé, qua đó giảm thời gian lưu thông của xe qua trạm.

Trên toàn tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình dài hơn 50km có 56 camera giám sát kỹ thuật số kết hợp phần mềm nhận dạng biển kiểm soát, đo tốc độ lưu thông trên đường và tự động phát hiện các vi phạm bằng hình ảnh. Những hình ảnh này được truyền cho lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trực tại các vị trí ra vào đường cao tốc để xử lý phương tiện vi phạm. Việc giám sát giao thông 24/24h sẽ bảo đảm không xảy ra ùn tắc giao thông, hạn chế tối đa các sự cố có thể xảy ra trên đường, bảo đảm an toàn giao thông ở mức độ cao. Công tác cứu hộ, cứu nạn được triển khai kịp thời khi có sự cố xảy ra, góp phần phục vụ công tác bảo vệ các tài sản trên đường cao tốc. Thực tế cho thấy sau hơn một tháng đưa vào khai thác, hệ thống này đã phát huy tác dụng thiết thực. Trên tuyến hầu như không xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Nhi - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẳng định, với hệ thống ITS, chúng tôi kiểm soát được mọi diễn biến 24/24h trong mọi điều kiện thời tiết. Hiện đại hóa giao thông chính là giảm vai trò của con người trong điều hành giao thông, giảm tiêu cực và dần tiến đến mức tự động hóa. Đây là mục tiêu cao nhất của ITS.

"Chìa khóa" cho vấn đề giao thông

Nói về hệ thống ITS lần đầu tiên được đưa vào khai thác, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng: Việc đưa vào sử dụng hệ thống ITS nói trên là một nỗ lực lớn của ngành nhằm đưa được tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào điều hành, quản lý cơ sở hạ tầng giao thông. Những dữ liệu này sẽ góp phần xử phạt người vi phạm Luật Giao thông đường bộ bảo đảm đúng người, đúng lỗi, công khai và minh bạch.

Lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, phát triển hệ thống ITS được xem như "chìa khóa" giải quyết vấn đề về giao thông trong bối cảnh hạ tầng chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa và tốc độ gia tăng các phương tiện, làm tiền đề cho việc xây dựng hệ thống giao thông phát triển có tính bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi áp dụng hệ thống ITS là người dân chưa có thói quen sử dụng thẻ điện tử trong thanh toán, giao dịch. Do vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, bản thân các nhà đầu tư cũng cần tích cực mới tạo được sự chuyển biến trong việc ứng dụng ITS.

Trước mắt, ngoài tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bộ GTVT đang nghiên cứu triển khai trên các tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Nội Bài - Lào Cai… Về lâu dài, thông qua những mô hình này Bộ GTVT sẽ từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý; xây dựng văn bản quy hoạch pháp luật, từ đó có thể dùng thông tin từ hệ thống để xử phạt vi phạm; phân tích số lượng phương tiện, điều hành giao thông, thống kê tai nạn… Mỗi ngành, mỗi cơ quan sẽ sử dụng hiệu quả một nguồn thông tin để phục vụ cho nhiệm vụ quản lý của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng đa mục tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.