(HNM) - TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai thí điểm dùng thẻ điện tử thông minh trên nhiều tuyến xe buýt. Trước đó, công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến (RFID) cũng đã đưa vào hoạt động.
Chính thức hoạt động từ ngày 5-12, công nghệ nhận dạng RFID được lắp đặt tại bến xe buýt Công viên 23-9 (quận 1) đã giải quyết hết công việc kiểm soát và quản lý bằng công nghệ hiện đại của cơ quan chức năng thay vì thao tác thủ công như trước kia. Theo đó, thiết bị nhận dạng xe buýt RFID được trang bị hiện đại như: Hệ thống ăng ten, cáp tín hiệu, camera… Khi tuyến xe buýt được gắn thiết bị RFID đi qua, hệ thống sẽ tự động ghi nhận chính xác biển số, ngày giờ xuất bến, về bến… thay vì phương pháp thủ công với sự can thiệp của con người như trước kia.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh cho hay, đây là công nghệ mới tiên tiến, đang ngày càng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực trên thế giới. Công nghệ này mang lại sự tiện dụng, linh hoạt, hiệu quả, chính xác và nhanh chóng. Cụ thể, công nghệ RFID sẽ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến, cho phép một thiết bị đọc thông tin chứa trong chip ở khoảng cách xa, không cần tiếp xúc trực tiếp, không thực hiện bất kỳ giao tiếp vật lý nào giữa hai vật không nhìn thấy. Từ đó, thiết bị sẽ cung cấp công cụ truy vấn nhật ký ra vào bến của xe buýt bất kỳ để kết nối và tích hợp vào hệ thống quản lý, điều hành hoạt động xe buýt. Dự án triển khai thí điểm tại 3 đầu bến gồm: Công viên 23-9, Bến xe An Sương (quận 12) và Bến xe buýt khu B Đại học Quốc gia (quận Thủ Đức).
Một ứng dụng công nghệ mang tính đột phá cũng sẽ được ngành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động là thí điểm dùng thẻ điện tử thông minh trên các tuyến xe buýt. Theo đó, trong tháng 12 này, thành phố sẽ triển khai thí điểm trên tuyến buýt số 86 (Bến Thành - Đại học Tôn Đức Thắng). Sau đó, nếu chính quyền thành phố đánh giá và chấp thuận sẽ tiếp tục cho triển khai trên 8 tuyến xe khác. Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho hay, việc đưa vào dùng thẻ xe buýt thông minh sẽ tạo thuận tiện cho người dân khi đi xe buýt với nhiều chức năng thanh toán và sẵn sàng tích hợp, mở rộng, từ đây có thể dùng một thẻ giao thông công cộng cho nhiều loại hình như: Metro, taxi, buýt thủy, xe đạp công cộng...
Không chỉ ứng dụng công nghệ hiện đại trên xe buýt mà ngay cả trạm chờ, trạm trung chuyển cũng được ngành vận tải hành khách công cộng thành phố đầu tư hiện đại. Đơn cử, tại trạm trung chuyển xe buýt nằm trên đường Hàm Nghi (quận 1) đều có các trụ thông tin kết nối internet, kết nối dữ liệu phục vụ nhu cầu tra cứu trực tuyến các thông tin vận tải hành khách công cộng, tin tức từ các tờ báo. Bên cạnh đó, trạm còn có bảng điện tử cập nhật thông tin trực tuyến về mã số tuyến, thời gian xe đến, khoảng cách hiện tại từ trạm đến xe gần nhất, tạo tâm lý chủ động, thoải mái cho hành khách...
Để tiếp tục duy trì bước phát triển năm 2018 và kế hoạch năm 2019, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng; đầu tư đổi mới phương tiện. Cùng với đó là đổi mới mô hình quản lý và nâng cao năng lực của các đơn vị vận tải, đánh giá tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu đối với dịch vụ xe buýt, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng... Đặc biệt là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng như: Đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh; kết nối internet tại các trạm chờ, bảng thông tin điện tử; tiếp tục đầu tư gắn camera giám sát nhằm kiểm soát trên các tuyến xe buýt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.