Giao thông thông minh với hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại đang được xem là một trong những giải pháp tốt để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Chưa tận dụng CNTT để giảm ùn tắc giao thông
Trong khi các nước phát triển trên thế giới đã tận dụng CNTT để hỗ trợ hoạt động điều phối quản lý, khai thác, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông khá tốt, thì tại Việt Nam hầu như ngành giao thông vẫn chưa tận dụng những lợi ích của CNTT trong giải quyết vấn đề này.
Tại cuộc tọa đàm chuyên đề về “Giảm tắc nghẽn, tai nạn giao thông bằng CNTT” diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam 2012 diễn ra ngày 26/6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Việt Nam đã đầu tư nhiều công trình giao thông đường bộ, hệ thống giao thông song lại chưa áp dụng CNTT, công nghệ hiện đại để quản lý khai thác hiệu quả hệ thống giao thông đường bộ đó, cũng như chưa áp dụng CNTT để phân luồng, phân tuyến, điều tiết, điều hành để giảm ùn tắc giao thông… Vì vậy, giao thông thông minh với hạ tầng CNTT hiện đại được xem là một giải pháp tốt để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Ảnh minh họa. (Nguồn: vne)
Ông Khuất Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu, Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải (Trường Đại học Giao thông Vận tải) cũng cho rằng, để có một hệ thống thông suốt, kết nối giao thông một cách đồng bộ thì cần thiết phải ứng dụng hệ thống giao thông thông minh. Qua đó, mới có thể đánh giá được năng lực giao thông như thế nào? Sẽ phải quản lý ra sao?.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Danh Lợi, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhận định: CNTT chính là chìa khóa vàng để giải bài toán ùn tắc và tai nạn giao thông. Theo ông Trần Danh Lợi, khi “Dự báo giao thông của chúng ta chưa chuẩn” thì CNTT sẽ có vai trò quan trọng giúp công tác dự báo giao thông được chính xác. Theo đó, CNTT phải đi đầu trong quản lý, điều hành giao thông. Có công nghệ, các nhà quản lý có thể đánh giá và dự báo chính xác về giao thông, từ đó tiến hành xây dựng cầu đường, quản lý đi lại khoa học hơn…
Trong khi đó, nếu hệ thống CNTT được ứng dụng mạnh trong giao thông, người dân có thể biết được đường phố nào đang ùn tắc ngay tại những biển báo theo thời gian thực gắn trên các phố để đi tránh sang các đường khác .
Sẵn sàng ứng dụng công nghệ?
Ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Giải pháp kỹ thuật, Tập đoàn FPT cho biết: Hiện nay các giải pháp CNTT đã sẵn sàng để hỗ trợ ngành giao thông Việt Nam trong giảm ùn tắc giao thông. Trong đó, ITS là một giải pháp kết hợp công nghệ cao như hệ thống định vị toàn cầu (GPS), hệ thống thông tin địa lý (GIS), cơ sở dữ liệu (DB) và các giải pháp truyền thông.
Trước mắt, có thể tiến hành lắp đặt hệ thống ITS để phân tích tín hiệu điều khiển đèn đường, cung cấp thông tin cho người dân qua radio, đài, biển báo…, giảm ùn tắc tại các trạm thu phí trên cả nước, đồng thời triển khai giám sát vi phạm giao thông. Đây được cho là một giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành của chủ phương tiện.
Ông Tuấn cho biết thêm, tại Hà Nội, có thể thấy một mô hình ứng dụng CNTT rất thành công tại ngã tư đường Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng, nơi từng xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông. Song, từ khi đưa vào vận hành hệ thống đèn tín hiệu có sử dụng phần mềm điều khiển do các chuyên gia Việt Nam phát triển, tình trạng tắc nghẽn và tai nạn giảm hẳn.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho hay: Ứng dụng trên mới chỉ ở quy mô nhỏ, lẻ tẻ và chưa trên diện rộng như các quốc gia phát triển. Ngành giao thông Việt Nam vẫn đang "ngại" ứng dụng CNTT trong điều phối giao thông hoặc đưa ra những yêu cầu quá cầu toàn. Trong khi với CNTT cần có thời gian để triển khai, điều chỉnh. Do đó, theo ông Tuấn, các cơ quan quản lý giao thông Việt Nam cần mạnh dạn triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành giao thông cho dù các giải pháp chưa thực sự hoàn hảo.
Thực tế, khi quỹ đất dành cho giao thông vẫn còn hạn chế và gặp khó khăn trong việc quy hoạch đô thị thì hy vọng trong thời gian tới, giải pháp xây dựng một hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại để giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông sẽ là một hướng đi cần thiết và đúng đắn./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.