Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất lúa

Bạch Thanh| 30/12/2022 20:37

(HNMO) - Nhằm minh bạch hóa sản phẩm, chống gian lận tiêu chuẩn, quy trình, trà trộn sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ, gây mất niềm tin người tiêu dùng với nông sản sạch, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các đơn vị đưa công nghệ 4.0 vào quản lý vùng sản xuất lúa hữu cơ. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao năm 2022; phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của ngành nông nghiệp Hà Nội ngày 30-12.

Số hóa quy trình canh tác lúa

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ chia sẻ, với quy mô sản xuất lúa hữu cơ 20ha, đơn vị đã được ngành Nông nghiệp hỗ trợ quản lý giám sát vùng trồng bằng camera tự động, cập nhật quy trình sản xuất bằng sổ nhật ký điện tử. Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng dễ dàng giám sát chuỗi sản xuất lúa gạo hữu cơ theo thời gian thực tới tận lô, khu sản xuất, từ vật tư, giống đầu vào, quá trình canh tác cho tới khi thu hoạch. Nhờ đó, uy tín, chất lượng lúa gạo hữu cơ của Nam Phương Tiến càng được khẳng định và có đầy đủ cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm sạch, an toàn.

Vùng lúa chất lượng cao Nam Phương Tiến.

Không chỉ quản lý giám sát vùng trồng lúa hữu cơ bằng công nghệ tiên tiến, các vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP của Hà Nội còn được ứng dụng công nghệ phòng trừ dịch hại bằng máy bay không người lái. Theo đó các vùng lúa hàng hóa tập trung đều có cán bộ ngành Nông nghiệp thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình sâu bệnh hại. “Nếu đến ngưỡng cần phải dùng thuốc bảo vệ thực vật để ngăn chặn sẽ áp dụng công nghệ phòng trừ dịch hại bằng máy bay không người lái. Điều này giúp tiết kiệm nhân công, an toàn cho người lao động, thời gian phun thuốc tập trung và đúng thời điểm nên hiệu quả cao”, ông Nguyễn Văn Tiến, hộ trồng lúa của Hợp tác xã nông nghiệp Canh Nậu, huyện Thạch Thất khẳng định.

Báo cáo của Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho thấy, trong năm 2022, đơn vị đã triển khai xây dựng được 16 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa, cùng 3 mô hình chuyển đổi sản xuất lúa - cá tại 19 xã thuộc 8 huyện trên địa bàn thành phố (với tổng diện tích 1.117ha (vụ xuân 704,5ha; vụ mùa 412,5ha). Trong đó: 60ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, 5ha lúa thảo dược, 12ha lúa - cá, 300ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, 740ha sản xuất lúa an toàn. Hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao cao hơn so với lúa Khang dân 18 từ 10,3 - 15 triệu đồng/ha/vụ.

Vùng lúa chất lượng cao Ứng Hòa.

Đáng chú ý, diện tích lúa Japonica của thành phố đã tăng gấp 2,55 lần so với năm 2018 (năm 2018 là 3.651ha, năm 2022 là hơn 10.000ha). Kết quả phát triển sản xuất lúa Japonica nói riêng và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu nói chung đã góp phần đưa cơ cấu giống lúa chất lượng cao của Hà Nội năm 2022 đạt trên 60%.

Gắn sản xuất với tiêu thụ

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, xác định công tác tiêu thụ sản phẩm là khâu then chốt để phát triển sản xuất được bền vững, nên ngay từ đầu vụ, Trung tâm đã kết nối các doanh nghiệp vào ký kết bao tiêu sản phẩm; đồng thời triển khai chỉ đạo các hợp tác xã xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Sản phẩm lúa gạo Hà Nội được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng nhờ minh bạch quy trình sản xuất an toàn bằng công nghệ 4.0.

Kết quả đã có 5 doanh nghiệp vào tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, gồm: Công ty CP giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam; Công ty TNHH đầu tư và phát triển nghiệp Bắc Hải; Công ty Long Vũ; Công ty Khang Long; Công ty Mỹ Loan. 5 doanh nghiệp này đã tiêu thụ được hơn 2.000 tấn lúa tươi cho các hợp tác xã, số còn lại nông dân dùng cho gia đình.

Bên cạnh công tác phát triển sản xuất, Trung tâm đặc biệt chú trọng đến xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và khẳng định thương hiệu gạo chất lượng cao của Hà Nội. Trong năm 2022, Trung tâm đã xây dựng thành công chuỗi sản phẩm “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến” cho Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ).

Đánh giá về hiệu quả sản xuất lúa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho Thủ đô; nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức của người dân Thủ đô về phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, VietGAP, hữu cơ; đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, tạo sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế.

Việc sản xuất lúa Japonica, lúa chất lượng cao hàng hóa còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nông dân về sử dụng đất, nước; giảm dùng phân bón hóa học, bảo tồn nguồn thiên địch, cân bằng hệ sinh thái. Đây là những tiền đề, bước đi quan trọng để năm 2023 Hà Nội thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng giảm diện tích, tăng giá trị và sản lượng. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất lúa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.