Ngày 29-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng nội dung tuyên truyền, truyền thông”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Quang Thao khẳng định, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Trong đó, trí tuệ nhân tạo đang dần trở thành một yếu tố không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là truyền thông. Ông nhấn mạnh, việc áp dụng AI trong truyền thông không chỉ giúp tăng tốc độ và hiệu suất sản xuất nội dung, mà còn mở ra nhiều cơ hội sáng tạo mới. Tuy nhiên, con người vẫn là yếu tố quyết định trong việc bảo đảm chất lượng và giá trị của các nội dung truyền thông.
Theo TS. Phí Công Huy (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), nhu cầu tự động tạo tin tức và sản xuất nội dung đang ngày càng gia tăng. Sự phát triển của AI, công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), máy học và khai phá dữ liệu đang thúc đẩy việc tạo ra các bài báo, video, và nội dung truyền thông nhanh chóng và chính xác hơn. Ông cho rằng, việc tự động sản xuất nội dung không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn gia tăng tính tương tác và nâng cao hiệu quả truyền thông cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực tiếp thị và quảng cáo. Tuy nhiên, để bảo đảm tính chính xác và độ tin cậy của thông tin, việc sử dụng AI trong sản xuất nội dung vẫn cần phải có sự giám sát và can thiệp của con người.
TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh vai trò của nội dung trong việc truyền bá kiến thức khoa học và công nghệ đến cộng đồng. Nội dung chính là yếu tố quyết định trong việc giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về các tiến bộ kỹ thuật, thúc đẩy ứng dụng thực tế vào đời sống. Tuy nhiên, công chúng hiện nay có nhu cầu thông tin cao nhưng lại thiếu thời gian để tiếp nhận đầy đủ, đặc biệt là với những vấn đề khoa học và công nghệ có ngôn ngữ phức tạp.
Ông cũng chỉ ra một số xu hướng cơ bản trong truyền thông hiện nay, như việc chuyển từ tin tức đơn thuần sang các hình thức kể chuyện hấp dẫn, chuyển từ văn hóa đọc sang văn hóa nghe nhìn, và sự mờ nhạt giữa tin tức và giải trí. Để thu hút sự chú ý của công chúng, đặc biệt là đối với các chủ đề khoa học, truyền thông cần đa dạng hóa hình thức nội dung, như video, infographic, podcast, đồng thời kết hợp giữa báo chí và mạng xã hội.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ AI trong truyền thông cũng đối mặt với không ít thách thức. Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề lớn nhất tại Việt Nam là thiếu hụt đội ngũ nhân lực có đủ chuyên môn, sáng tạo và kỹ năng để sản xuất nội dung chất lượng cao. Hệ thống truyền thông hiện tại cũng chủ yếu tập trung vào nội dung giải trí, thiếu sự quan tâm đúng mức đến các nội dung khoa học. Ngoài ra, ngôn ngữ chuyên ngành phức tạp và khó tiếp cận của các vấn đề khoa học là một rào cản lớn trong việc truyền tải thông tin đến công chúng.
Để giải quyết những thách thức này, cần có sự hợp tác liên ngành (nhà khoa học, nhà báo, nhà giáo dục) và nâng cao năng lực của đội ngũ sản xuất nội dung. Việc đào tạo đội ngũ sáng tạo nội dung và sử dụng công nghệ để biên tập, cá nhân hóa nội dung sẽ giúp cải thiện chất lượng thông tin, làm cho nó dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn đối với công chúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.