(HNM) - Sự kiện Trung Quốc ngang nhiên vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam...
Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đang khiến cộng đồng quốc tế hết sức bất bình; làm dấy lên làn sóng phản đối không chỉ trong khu vực mà còn trên hầu khắp thế giới. Vậy UNCLOS 1982 và DOC năm 2002 có ý nghĩa như thế nào trong việc duy trì hòa bình trên Biển Đông?
UNCLOS 1982 là gì?
Được ký kết ngày 10-12-1982, UNCLOS 1982 có hiệu lực từ ngày 16-11-1994.
Đến nay đã có 157 quốc gia và Cộng đồng Châu Âu (EC) tham gia UNCLOS.
UNCLOS là văn bản pháp lý gồm 17 phần với 320 điều khoản, 9 phụ lục với hơn 100 điều khoản và 4 nghị quyết kèm theo. Đây là một bộ các quy định về sử dụng biển và đại dương trên thế giới (chiếm 70% diện tích bề mặt trái đất). Sau Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), UNCLOS 1982 là văn kiện pháp lý đa phương quan trọng nhất trong lịch sử của LHQ khi nó thiết lập được một cách cụ thể và rõ ràng các khái niệm, quy chế cũng như phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền của mỗi quốc gia. Đặc biệt liên quan đến các tranh chấp có thể nảy sinh giữa các thành viên, UNCLOS 1982 đòi hỏi các quốc gia thành viên phải giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng công ước bằng các biện pháp hòa bình theo đúng quy định của Hiến chương LHQ, đồng thời nêu rõ các cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính triệt để.
Ngư dân Lý Sơn ra khơi. |
UNCLOS quy định: "Vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng này, quốc gia ven biển có quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế… Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước ngoài có quyền tự do hàng hải và đường không, tuân theo sự kiểm soát của quốc gia ven biển. Nước ngoài cũng có thể đặt các đường ống ngầm và cáp ngầm… nhưng phải thông báo và thỏa thuận với quốc gia ven biển".
Việt Nam là một trong 130 nước bỏ phiếu thông qua và sau đó cùng 118 nước ký UNCLOS năm 1982 tại Vịnh Montego (Jamaica). Ngày 23-6-1994, Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn và trở thành thành viên thứ 63 của UNCLOS. Nằm ven Biển Đông và là một trong những quốc gia có bờ biển dài trong khu vực Đông Nam Á (khoảng 3.260km), theo các quy định của UNCLOS, Việt Nam được bảo đảm chủ quyền, các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của mình ở các vùng biển và thềm lục địa rộng khoảng 1 triệu kilômét vuông. Là thành viên UNCLOS, Việt Nam có nghĩa vụ phải giải quyết các tranh chấp (nếu xảy ra) theo các quy định của UNCLOS. Cụ thể, Việt Nam có quyền xác định các vùng biển và thềm lục địa theo UNCLOS 1982, nhưng đồng thời cũng có nghĩa vụ tiến hành phân định các vùng biển và thềm lục địa ở những khu vực chồng lấn với các nước láng giềng.
Thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia ven biển theo quy định của UNCLOS 1982, tháng 9-2009 Việt Nam đã trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ Báo cáo xác định ranh giới thềm lục địa Việt Nam trên Biển Đông vượt ngoài 200 hải lý và Báo cáo chung xác định ranh giới ngoài thềm lục địa giữa Việt Nam và Malaysia. Quan điểm pháp lý cơ bản trong Báo cáo quốc gia của Việt Nam là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS 1982.
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)
Sau 3 năm thảo luận, ngày 4-11-2002, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 8 ở Phnom Penh (Campuchia), Trung Quốc và 10 nước ASEAN đã ký cam kết DOC. Các cam kết mà ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí trong DOC chia thành hai nhóm gồm: Cam kết về các nguyên tắc ràng buộc hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông và các cam kết về việc cùng tiến hành một số biện pháp xây dựng lòng tin cũng như hoạt động hợp tác trong một số lĩnh vực ít nhạy cảm. Theo đó các bên khẳng định cam kết đối với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, UNCLOS 1982, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của luật pháp quốc tế. Các bên cam kết giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp về quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua trao đổi ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của pháp luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Các bên khẳng định tôn trọng tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc phổ cập của pháp luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Các bên cũng cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực. ASEAN và Trung Quốc cũng đồng ý căn cứ vào các nguyên tắc Hiến chương LHQ, UNCLOS 1982, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á và các nguyên tắc phổ cập khác của luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau để tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin. Từ cam kết mang tính nguyên tắc đó, ASEAN và Trung Quốc nhất trí rằng, khi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, các bên cam kết tăng cường nỗ lực để xây dựng lòng tin như tiến hành đối thoại quốc phòng; đối xử nhân đạo với người bị nạn trên biển; thông báo cho các bên liên quan về các cuộc diễn tập quân sự, trao đổi thông tin liên quan. Việc thông báo và trao đổi như vậy được các bên liên quan tiến hành trên cơ sở tự nguyện.
DOC năm 2002 là kết quả của nỗ lực chung của cả ASEAN và Trung Quốc. Đó là văn kiện chung đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc trực tiếp liên quan vấn đề Biển Đông. Việc ký kết văn kiện này là một bước tiến quan trọng trong việc đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN.
Trung Quốc luôn vi phạm UNCLOS 1982, DOC 2002
Sự kiện Trung Quốc xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trên vùng đặc quyền kinh tế, điều tàu quân sự bảo vệ, tấn công tàu Cảnh sát biển Việt Nam là hành động gây hấn nghiêm trọng. Sự kiện này đang làm dấy lên mối quan ngại đối với an ninh khu vực. Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam bất chấp những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai bên, UNCLOS 1982, DOC 2002.
Trước những diễn biến phức tạp của khu vực, đặc biệt là những căng thẳng trên Biển Đông, năm 2012 Ngoại trưởng các nước ASEAN đã thông qua "Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông". Trong đó tái khẳng định cam kết của các nước thành viên như sau: Thực hiện đầy đủ DOC; Hướng dẫn thực hiện DOC (2011); Sớm đạt được COC; Hoàn toàn tôn trọng các nguyên tắc đã được thừa nhận của Luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; Các bên tiếp tục kiềm chế và không sử dụng bạo lực; Giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận của Luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 5 về Biển Đông với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực" được tổ chức cuối năm ngoái tại Hà Nội, nhiều học giả thế giới đã khẳng định vai trò của UNCLOS 1982 trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Các học giả đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế nói chung và UNCLOS 1982 nói riêng trong bảo đảm hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.