Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp: Phải gỡ nhiều "điểm nghẽn"

Tuấn Lương| 24/03/2016 06:16

(HNM) - Ùn tắc và tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp và thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp chống ùn tắc đang phát huy hiệu quả, nhất là gỡ những


Đã xóa được 10/44 “điểm đen” ùn tắc

Theo Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân, cuối năm 2015, toàn thành phố tồn tại 44 "điểm đen" UTGT. Trong đó, 38/44 điểm ùn tắc từ Vành đai 3 trở vào trung tâm thành phố, trong đó nhiều điểm ùn tắc do các công trình trọng điểm đang thi công chiếm dụng lòng đường; do lưu lượng phương tiện tập trung trên các tuyến đường hướng tâm và vành đai. Trong khi, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện chưa cao; phương án tổ chức, điều phối giao thông, đèn tín hiệu tại một số điểm chưa phù hợp với lưu lượng giao thông thực tế…

Hầm chui Thanh Xuân đưa vào khai thác đã góp phần giảm ùn tắc giao thông từ khu vực Hà Đông vào trung tâm thành phố. Ảnh: Bá Hoạt


Từ đầu năm 2016 đến nay, liên ngành GT-VT - Công an thành phố đã phối hợp với các chủ đầu tư và đơn vị thi công công trình trọng điểm tổ chức phân luồng phương tiện, đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án, đưa vào khai thác vận hành trước tết Nguyên đán Bính Thân. Nhờ đó, đã giải quyết được 6 điểm đen, tại hầm chui Thanh Xuân, hầm chui Trung Hòa, nút giao Cầu Giấy, nút giao Lạc Long Quân - Thụy Khuê, nút giao trung tâm quận Long Biên, cầu Phương Liệt - thuộc dự án Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng. Đồng thời, qua tổ chức lại giao thông trên nhiều tuyến đường, nút giao thông, đã giải quyết 4 “điểm đen” tại nút Lê Duẩn - Hai Bà Trưng, nút Ngã Tư Sở (Cầu Mới - Nguyễn Trãi - Thượng Đình - Vũ Tông Phan), nút Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng, khu vực Kim Mã - Giang Văn Minh - Trần Phú…

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Tân, thành phố đã hạn chế xe tải, taxi lưu thông trong giờ cao điểm trên một số tuyến đường, như cầu Chương Dương, Khâm Thiên, Đường Láng, Xuân Thủy - Cầu Giấy; điều chỉnh lộ trình xe buýt, xe khách liên tỉnh cho phù hợp với nhu cầu của hành khách và hiện trạng hạ tầng giao thông…

Sẽ tăng cường “phạt nguội”

Ông Nguyễn Văn Tòng, Phó Trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội cho rằng, ùn tắc và TNGT trên địa bàn Thủ đô vẫn diễn biến rất phức tạp. Dân số và phương tiện giao thông cá nhân gia tăng nhanh nên rất dễ phát sinh điểm ùn tắc mới. "Ví dụ trên tuyến đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), có hàng loạt khu đô thị như Times City, Khóa Minh Khai, May Thăng Long... nhưng chỉ có duy nhất một con đường. Khu vực cầu Mai Động, Chợ Mơ, đường Minh Khai, đường Tam Trinh... giờ nào cũng tắc chứ không còn rơi vào giờ cao điểm. Cơ quan chức năng đã hạn chế một số loại phương tiện lưu thông nhưng chỉ là giải pháp tình thế" - vị Phó Trưởng phòng CSGT nói.

Trong khi đó, ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, trên địa bàn còn 16 điểm úng ngập có khả năng gây UTGT. Dự kiến, ngày 15-4, Công ty sẽ đưa bản đồ úng ngập vào khai thác, để phục vụ điều hành, giảm UTGT. "Tuy nhiên, Đại lộ Thăng Long có hầm chui qua đường sắt (đoạn qua Thiên đường Bảo Sơn) và hầm chui qua Đại học Tây Nam, sử dụng trạm bơm chìm nhưng trạm biến áp liên tục có sự cố. Riêng trạm bơm hầm chui đường sắt mất điện lưới từ tháng 1-2016 đến nay. Trạm bơm hầm chui Thanh Xuân và hầm chui Trung Hòa cũng sử dụng công nghệ bơm chìm, trong trường hợp mất điện lưới, chạy bằng máy phát dự phòng, không bảo đảm thoát nước và giao thông. Đến thời điểm này, các đơn vị chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao cho bên thoát nước quản lý" - ông Lê Vũ Quảng Sương nói.

Đại diện các cơ quan chức năng thông tin, tiến độ nhiều dự án trọng điểm vẫn rất chậm. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Sở GT-VT đang xem xét thu hồi giấy phép thi công Ga Yên Nghĩa vì tiến độ ỳ ạch. Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, một số đoạn trên đường Xuân Thủy, lòng đường bị rào chắn đã lâu mà dự án không tiến triển; người dân phải đi cả lên vỉa vè, bị trượt ngã vào xe buýt tử vong, gây bức xúc trong dư luận...

Nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục kiên trì các giải pháp đã đem lại hiệu quả, Giám đốc Sở GT-VT Vũ Văn Viện đề nghị liên ngành thành phố đôn đốc chủ đầu tư các dự án trọng điểm đẩy nhanh tiến độ theo đúng kế hoạch. Đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị, đường Vành đai 1, Vành đai 2, dự án Cầu 361, đường Lê Trọng Tấn… Đồng thời, tiếp tục đầu tư các cụm đèn tín hiệu giao thông, camera giám sát giao thông tại các nút, tuyến đường trọng điểm, có nguy cơ UTGT, TNGT; nâng cấp và hoàn thành hệ thống kết nối camera giám sát giao thông để tăng cường "phạt nguội" các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Được biết, liên ngành thành phố đề ra mục tiêu đến cuối năm 2016, sẽ giải quyết 14 "điểm đen", trong đó có 7 "điểm đen" do công trình thi công và 7 "điểm đen" do tổ chức giao thông để người dân đi lại được thuận lợi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp: Phải gỡ nhiều "điểm nghẽn"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.