(HNM) - Để tới Donbass thời điểm này khó khăn, nhất là việc xin
Không quản nguy hiểm, hôm 20-9, chúng tôi cùng đại diện của Hội Chữ thập đỏ, Hội Hữu nghị Ukraine - Việt Nam, Sứ quán Việt Nam cùng lên đường theo chiếc xe tải chở hàng cứu trợ hướng thẳng Donbass trong nỗi âu lo của người thân. Việc thuê xe tải lúc này hết sức khó khăn. Đơn giản vì chả mấy ai muốn đi tới vùng chiến sự. "Chúng tôi phải trả tiền gấp đôi so với thường lệ mới tìm được xe" - anh Chu Hải Hà, Giám đốc Công ty Sản xuất đồ ăn nhanh Mareven Food Ukraine cho biết.
Hàng cứu trợ được chuyển tới người dân vùng chiến sự Ukraine. |
Dọc hành trình gần 800km, chúng tôi được ngắm nhìn những làng quê Ukraine vô cùng yên ả, trẻ em đến trường, các cô dâu thướt tha trong bộ váy cưới điệu đà, những chú sếu to tướng bình thản đậu trong những chiếc tổ làm từ rơm cỏ trên các cột điện ở vùng nông thôn. Rồi mải miết những cánh đồng rộng ngút ngát hàng trăm hécta đang thời kỳ thu hoạch. Nếu khủng hoảng không diễn ra và chiến sự không bùng nổ ở miền Đông thì Ukraine là một đất nước thanh bình và trù phú vào hàng nhất nhì ở Đông Âu. Có diện tích lớn gấp đôi Việt Nam, phần lớn là bình nguyên bằng phẳng, quốc gia bên bờ Biển Đen này sở hữu loại đất nông nghiệp tốt nhất với 1/4 trữ lượng đất đen thế giới, khí hậu ôn hòa, đủ sức cung cấp lương thực cho hơn nửa tỷ dân.
Câu chuyện của chúng tôi đậm tính thời sự về miền Đông rực lửa, xen lẫn âu lo với sự tham gia của anh Euvghen Ykovenko, nhân viên một công ty của người Việt. Cùng đoàn có một người dân Lugansk chính cống, nơi hiện do lực lượng ly khai kiểm soát. Vợ và mẹ anh vẫn kẹt lại trong thành phố. Kể về tình hình của người dân vùng "ly khai'', anh cho biết, hiện ở đó hết sức khó khăn, các cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng nặng. Điện, nước, gas bị gián đoạn thậm chí bị cắt. Điện thoại di động chỉ vài nơi có sóng hoạt động.
Đến cửa ngõ mỗi thành phố trên đường đến Donbass chúng tôi đều phải qua các trạm gác nghiêm ngặt của quân đội chính phủ. Những lô cốt mới dựng với vô số bao cát, xe bọc thép và những binh lính trong trang phục rằn ri, tiểu liên AK, mũ, áo giáp chống đạn, nét mặt đầy căng thẳng. Càng đến gần Donbass, các trạm gác và boongke càng dày đặc, thi thoảng bắt gặp những chiếc xe biển quân sự kéo theo pháo hay chở những chiếc xe bọc thép xám xịt cùng chiều xe chúng tôi. Mọi người trong đoàn đã được quán triệt từ trạm gác đầu tiên là không được quay phim, chụp ảnh khu vực trạm kiểm soát quân sự. Tuy đã có giấy phép đặc biệt từ Kiev nhưng những người lính vẫn kiểm tra rất cẩn trọng. Đã sống qua những ngày chiến tranh nhưng tôi vẫn không khỏi hồi hộp. Chỉ còn cầu trời những quả đạn pháo không rú rít đâu đây. Có lẽ tất cả chúng tôi đều có cảm giác như vậy. Bởi nét mặt mọi người đều có vẻ căng thẳng, mắt dán về tấm kính trước mặt. Những rặng cây lá chuyển màu vàng đặc trưng đầu thu đẹp mê hồn không còn lãng mạn trong ý nghĩ lúc này. Ngược chiều xe chúng tôi, thi thoảng một chiếc xe quân sự phủ bạt kín phóng như bay.
Đến thành phố Mariupol, cách khu vực lực lượng ly khai kiểm soát khoảng 20km là hai trạm gác vô cùng cẩn mật với các công sự, hầm trú ẩn, lô cốt và xe bọc thép. Những người lính gác ra hiệu cho đoàn xe táp vào vệ đường chờ chỉ huy cao nhất của họ tới. Sau cuộc kiểm tra mất khá nhiều thời gian, cuối cùng, chúng tôi cũng vào được thành phố. Hết sức ngỡ ngàng khi thấy cảnh tượng vẫn thanh bình, y hệt như các thành phố khác của Ukraine. Xe trolleybus (xe buýt điện) vẫn đón và trả khách êm đềm, trẻ em đi học, các bà mẹ thong thả đẩy xe nôi trong công viên. Khác chăng là dấu vết của trận chiến khi quân chính phủ và quân tình nguyện giành lại quyền kiểm soát thành phố từ quân ly khai. Vẫn còn đó những tòa nhà chính phủ bị bắn nát, cháy đen. Xung quanh thành phố, người dân, các tình nguyện viên và binh lính đào hào, dựng lô cốt kiên cố... Anh bạn từ Lugansk cùng đoàn chúng tôi giải thích về vị trí chiến lược của thành phố ven biển Azov này. Nó nằm trên trục đường từ biên giới Nga đến thẳng Crimea, cách thành phố Novoazovsk 20km - nơi tháng trước quân ly khai với xe tăng và những dàn hỏa tiễn cực kỳ hiện đại mà quân đội chính quy Ukraine còn chưa được trang bị chiếm lại từ tay quân chính phủ. Sergei, một sinh viên trường trung học cơ khí mặt "búng ra sữa" kể: "Chúng tôi phải cố thủ và bảo vệ thành phố của chúng tôi, bảo vệ cuộc sống yên lành".
Trao hàng cho Hội Chữ thập đỏ Mariupol, chúng tôi được bà Victoria Evsikova - Chủ tịch Hội - tiếp trong không khí đạm bạc thời chiến. Bà vô cùng cảm động khi thấy những người bạn Việt Nam đem đến những món quà rất thiết thực cho những người tỵ nạn từ vùng chiến sự. Người được trao quà cứu trợ đầu tiên là bà Alla, 66 tuổi, đến từ Donetsk. Tôi thấy bà ngần ngại ngoài cửa bèn hỏi chuyện rồi dẫn bà tới giới thiệu với Chủ tịch Chữ thập đỏ và đề nghị trợ giúp ngay. Nhận đôi giày đúng cỡ do chúng tôi chọn thay cho đôi dép đã rách, bà Alla kể cho chúng tôi nghe với đôi mắt ngấn lệ về cuộc sống thanh đạm của một người hưu trí cô đơn từ Donetsk, thành phố nơi bà gắn bó cả cuộc đời mà giờ đây bà không còn biết căn hộ của mình có còn nguyên vẹn? "Chúng tôi sinh sống bao nhiêu năm ở đây" - bà Alla mếu máo - Người Ukraine, người Nga, Tartar hay Hy Lạp, Gruzia... chung sống hòa thuận có sao đâu. Giờ đây... - bà Alla nghẹn ngào - "mất sạch rồi, tôi không còn gì cả...".
Ngoài hàng cứu trợ cho Hội Chữ thập đỏ, đoàn chúng tôi còn chuẩn bị một phần quà gồm gạo, mỳ tôm. Đại sứ Nguyễn Minh Trí gửi phần tiền nhỏ động viên cho cộng đồng người Việt ở đây. Chúng tôi gặp gỡ những đồng hương Việt Nam trong một hội trường đẹp đẽ. Các hộp mỳ và tải gạo được khuân vào tận phòng khánh tiết thay vì trao tại xe. Hơn 30 gia đình người Việt sinh sống tại Mariupol và từ Donetsk chạy nạn tiếp đón chúng tôi như những người thân từ lâu. Anh chị Thái - Hồng còn mời chúng tôi về nhà và thết đãi món phở Việt ngon như phở Thìn Hà Nội. Cũng có khoảng chục gia đình thực sự khó khăn vì chạy từ vùng chiến sự Donetsk ngay gần đấy. Họ phải bỏ lại nhà cửa, công việc mưu sinh. Thật ấm áp khi họ vẫn có những người đồng hương ở Ukraine cho tá túc lúc hoạn nạn. "Tuy vậy, chúng tôi không khỏi lo lắng vì con cái học hành bị gián đoạn, công việc làm ăn bị dở dang" - anh chị Thuận - Thuân buồn rầu - "Cậu con trai Roman Pham 14 tuổi của chúng tôi học rất giỏi ở Donetsk nhưng đành chuyển tạm về đây nhờ bạn bè. Nhưng rồi tiền tiêu cũng sẽ cạn và chúng tôi chưa biết làm gì. Chỉ mong chiến tranh sớm kết thúc để chúng tôi về nhà". Còn anh Trịnh Văn Tiên, Phó Chủ tịch Hội Người Việt ở Donetsk tâm sự: "Hầu hết chúng tôi đều có nhà và công việc làm ăn ổn định nhưng chiến sự xảy ra đành phải bỏ hết. Một vài người chúng tôi vẫn thi thoảng về Donetsk thăm nhà và lấy nốt số hàng tồn để giải quyết. Khu vực này vẫn ầm vang tiếng pháo nổ. Mặc dù đã có thỏa thuận ngừng bắn nhưng giao tranh vẫn tiếp tục ác liệt, đặc biệt là sân bay Donetsk do quân ly khai cố gắng chiếm lại từ tay quân chính phủ". Anh Tiên còn cho biết, ở Donetsk hiện giờ điện cấp gián đoạn, nước chỉ có 2 giờ buổi sáng và 2 giờ buổi chiều. Xe tăng, pháo hạng nặng và các tay súng vẫn đầy đường. Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi loạt đại bác nổ đinh tai. Kính cửa sổ rung lên như muốn vỡ. Tối hôm đó thấy thông báo quân ly khai bắn hỏa tiễn vào ngoại vi Mariupol và quân chính phủ diệt 3 xe tăng của đối phương. Hỏi tại sao không chạy hẳn ra khỏi vùng chiến sự, đồng bào ở đây đều nói: Chúng tôi thấy dân chúng địa phương cũng như chúng tôi, người ta lại quay về khi có tin ngừng bắn.
Cuộc gặp mặt rồi cũng đến lúc kết thúc, chúng tôi chia tay đầy bịn rịn với những người đồng hương xa xứ. Cầu mong cho họ được bình an. Trao nhau những số điện thoại và hẹn ngày tái ngộ. Xe chúng tôi lao đi trong đêm hun hút, vắng lặng như đi vào rừng thẳm. Chợt thấy đói bụng, chúng tôi tạt vào trạm xăng nhỏ định kiếm miếng hot-dog (bánh mỳ nhân xúc xích) nhưng nhanh chóng thất vọng bởi trạm xăng không bán đồ ăn. Đây rồi! Bỗng ai đó thốt lên. Hóa ra trước khi lên đường, các chị người Việt đã kịp dúi lên xe hộp đồ ăn. Món xôi với nem Việt và thịt nướng tuy đã lạnh ngắt nhưng tôi thấy lòng ấm áp. Tình người nơi xa xứ thật đáng quý. Nó thổi ấm lòng người, nhất là khi chiến tranh, loạn lạc, trong hoạn nạn. Có lẽ rằng, đây là miếng xôi ngon nhất mà tôi từng nếm trong nửa thế kỷ đời người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.