Đã ghi nhận những tiến bộ, cả về thể lực đến ý thức chiến thuật, cách tiếp cận trận đấu của U23 Việt Nam qua 3 trận trên sân Thống Nhất, nhưng vẫn có điều gì đó rất băn khoăn và rất khó diễn tả. Đấy là cảm nhận chung của số đông, những người đã sát cánh cùng thầy trò HLV Falko Goetz, kể từ ngày đầu tập trung cho đến lúc này. Lối chơi là lối chơi nào?
Ngay lúc này, hỏi một (hoặc vài) những trụ cột của U23 Việt Nam, rằng đội bóng đang được tập luyện để chơi bằng chiến thuật gì, dám chắc họ sẽ lắc đầu. Không phải lối chơi nhuyễn với bóng ngắn, đập nhả tí tách, trước khi đánh thẳng vào trung lộ, với khả năng tì đè-nhả bóng của trung phong cắm để tuyến 2 dứt điểm như thời HLV Calisto. Hay đánh giãn biên, chồng cánh và lật cánh đánh đầu cũng không nốt.
Vẫn còn rất nhiều việc phải làm với U23 Việt Nam sau Eximbank Cup 2011. |
HLV Goetz muốn học trò chạy rất nhiều, tổ chức lên bóng (nhanh) bằng mọi giá và khi mất bóng, phải gấp rút lui về tham gia phòng ngự.
Trong số 4 bàn thắng ghi được tại giải, có một bàn đánh đầu (của Tuấn Anh), nhưng phải nói là đường chuyền vào của Văn Thắng quá hoàn hảo, nên Tuấn Anh chỉ thực hiện một công việc khá đơn giản, chiếm lĩnh không gian và đưa bóng vào lưới. 2 bàn khác là những tình huống xử lý bóng xuất thần, mang đậm dấu ấn cá nhân của Trọng Hoàng và Đình Tùng. Bàn còn lại (Văn Thắng) mới mang chút hơi hướng của một pha bóng được dàn xếp tương đối bài bản.
Luôn chiếm ưu thế về thời gian kiểm soát bóng, nhưng chúng ta lại không thể bắt đối thủ phải chơi theo cách của mình. Yêu cầu đá nhanh, mạnh, là lý do khiến tỷ lệ mất bóng, cũng như các pha xử lý hỏng, không như ý muốn trở nên dày đặc. Cảm giác như U23 Việt Nam đang cố ép mình vào lối đá “kick & rush” (chạy và sút) của người Anh. Thế mới nói, cái được lớn nhất của U23 Việt Nam qua Eximbank Cup 2011 chỉ là… tinh thần.
Và khi học không đi đôi với làm?
Rất nhiều những hiệu lệnh điều chỉnh được đưa ra không có trong giáo án các buổi tập. “Nhiều lúc chúng tôi không biết thầy Goetz muốn gì nữa?! Khi tập chia đôi đội hình thi đấu, thầy muốn 2 hậu vệ biên tách ra, chiếm lĩnh không gian để triển khai bóng. Nhưng lúc thi đấu, ông lại hối thúc 2 cầu thủ chơi ở vị trí này dâng cao, nhường lại không gian cho cặp trung vệ phát triển bóng…”, đấy là tâm sự rất thật của học trò ông Goetz.
Vẫn bàn (hay hội ý cũng đại loại thế) rất nhiều với các trợ lý, nhưng khi làm chiến thuật chuẩn bị trận đấu và khi lâm trận, HLV Goetz lại không theo một chuẩn mực nào cả. Đấy là cảm nhận của đại đa số những người đang làm việc cùng ông. Tuy nhiên, vì cái chung và vì đích hướng đến (SEA Games 26) đã ở quá gần, nên tất cả phải nén lại. Chỉ một điều chắc chắn rằng, khi chúng ta còn nuôi tham vọng chinh phục, với cuộc cách tân (nếu có thể) về lối chơi, U23 Việt Nam phải giải quyết triệt để những tồn tại trước tiên.
Mới chỉ làm việc với bóng đá Việt Nam (cho cả 2 cấp độ ĐT) được vài tháng, kể cũng khó đòi hỏi sự am hiểu của HLV Goetz. Đến từ nền bóng đá đỉnh cao như nước Đức, phải chăng HLV Goetz đã quen với những đòi hỏi (không giới hạn) về các yếu tố thể lực, cũng như kỹ-chiến thuật, tư duy chơi bóng?! Tuy nhiên, cầu thủ Việt nói riêng và cơ địa người Việt nói chung là hữu hạn. Phải có ai đó góp ý với ông Goetz để chúng ta còn kịp đưa ra những điều chỉnh.
Thuyền trưởng người Đức vẫn đang nỗ lực tìm cách thích nghi, nhưng điều này sẽ chỉ đến, khi ông Goetz biết lắng nghe, tiếp thu các ý kiến và không quá cứng nhắc với từng tình huống cụ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.