Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tỷ trọng thịt lợn cao, nhiều rủi ro trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi

Ngọc Quỳnh| 15/09/2020 13:50

(HNMO) - Đây là thông tin được đưa ra thảo luận tại hội nghị “Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 15-9 tại Hà Nội.

Quang cảnh hội nghị.

Dự và chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Về phía thành phố Hà Nội, dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phụ trách, điều hành hoạt động của Ban Cán sự đảng UBND thành phố và UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.

Sau hơn 10 năm triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 theo Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16-8-2008 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2008-2018, sản lượng thịt các loại tăng 1,5 lần, trứng tăng 2,3 lần, sữa tươi tăng 3,6 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần. Một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu như thịt lợn choai, lợn sữa, thịt gia cầm…, khẳng định thương hiệu của sản phẩm chăn nuôi trong nước với khu vực và trên thế giới.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sửu cho biết, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội có khoảng 130.000 con bò thịt, 36,8 triệu con gia cầm và hơn 1,3 triệu con lợn. Trong chiến lược phát triển chăn nuôi thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung phát triển giống gia súc, gia cầm để trở thành địa phương cung cấp giống cho các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, việc phát triển các giống gà Mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình đã khẳng định được uy tín trên thị trường. 

Đồng chí Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, thời gian qua, tốc độ phát triển lĩnh vực chăn nuôi nhanh, nhưng còn mất cân đối. Thịt lợn hiện vẫn chiếm tỷ trọng 70%, dẫn đến nguy cơ rủi ro trong sản xuất - tiêu thụ. Mục tiêu đưa chăn nuôi lên làm ngành chính, nhưng trong tỷ trọng xuất khẩu hơn 40 tỷ USD/năm của ngành Nông nghiệp, chăn nuôi không đóng góp nhiều. Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040, ngành chăn nuôi phải xác định 3 khâu quan trọng nhất để phát triển bền vững là sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Mục tiêu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm quốc gia tiên tiến trong khu vực; sản phẩm chăn nuôi đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu từ 15 đến 20% sản lượng thịt lợn, từ 20 đến 25% thịt và trứng gia cầm. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi vẫn tồn tại nhiều bất cập như: Tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, theo quy mô hộ gia đình vẫn còn cao. Khâu quản lý dịch bệnh, quản lý môi trường trong chăn nuôi còn yếu...

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều thời cơ và vận hội lớn. Trong đó, chủ trương phát triển ngành Nông nghiệp hiện đại, tiên tiến, toàn diện luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm. Luật Chăn nuôi đã được thông qua và có hiệu lực. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường trong nước và quốc tế đang ngày càng tăng cao... Vì vậy, ngành chăn nuôi cần đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến để hướng tới xuất khẩu. Việc Bộ NN&PTNT xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2040 là yêu cầu cấp thiết để ngành chăn nuôi có định hướng, cơ sở phát triển.

Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Chiến lược phát triển chăn nuôi để trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỷ trọng thịt lợn cao, nhiều rủi ro trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.