(HNMO) - Tính từ ngày 8-3 đến sáng 15-3, nước ta đã triển khai tiêm cho 11.605 cán bộ, nhân viên y tế tại 12 tỉnh, thành phố, trong đó ghi nhận 13 trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm mức độ 2-3. Riêng ngày 14-3, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã ghi nhận 2 trường hợp phản ứng nặng, trong đó có một trường hợp được chẩn đoán sốc phản vệ độ III.
Đề cập đến những trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca tại nước ta, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng ban Điều hành Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cho rằng, không riêng vắc xin AstraZeneca, hầu hết các loại vắc xin khác cũng đều có phản ứng sau tiêm với một tỷ lệ nhất định. Khi xuất hiện phản ứng nặng sau tiêm, chúng tôi sẽ có theo dõi, đánh giá. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương có trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca thành lập hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân. Hiện, các địa phương đã triển khai, trong thời gian sớm nhất sẽ có phản hồi chính xác.
Theo báo cáo của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, sau tuần đầu tiên triển khai tiêm vắc xin Covid-19, tỷ lệ người tiêm có phản ứng thông thường chiếm 26%, tỷ lệ người tiêm có phản ứng nặng chiếm 0,7%. GS.TS Đặng Đức Anh cho rằng, so với các nước, tỷ lệ phản ứng sau tiêm của Việt Nam vẫn trong giới hạn an toàn. Tỷ lệ này nhìn chung nằm trong giới hạn khuyến cáo của nhà sản xuất cũng như của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan khác có trách nhiệm trong đánh giá an toàn, hiệu quả của vắc xin.
"Việt Nam vẫn đang theo dõi số liệu từ các nước tiêm vắc xin phòng Covid-19. Bởi vì đây là lần đầu tiên Việt Nam cũng như nhiều nước triển khai tiêm vắc xin Covid-19 nên chúng ta phải vừa tiêm, vừa đánh giá tính an toàn và tiếp tục theo dõi số liệu báo cáo về tính an toàn ở các quốc gia có sử dụng vắc xin AstraZeneca", GS.TS Đặng Đức Anh nhấn mạnh.
Theo GS.TS Đặng Đức Anh, hiện tại, WHO và các đơn vị chuyên môn khác vẫn khuyến cáo các quốc gia tiếp tục tiêm vắc xin, cân nhắc lợi ích vắc xin và nguy cơ dịch bệnh. Đến nay, cũng chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa vắc xin AstraZeneca với các trường hợp bị đông máu. Vì vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục tiêm vắc xin như kế hoạch.
Được biết, hiện tại, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 11.000 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca trong số 116.000 liều đầu tiên chúng ta nhận được. Với số lượng còn lại, dự kiến từ nay đến cuối tháng 3-2021, nước ta sẽ hoàn tất đợt tiêm chủng. Ngoài ra, từ nay đến tháng 4-2021, Việt Nam sẽ nhận thêm 4,1 triệu liều vắc xin AstraZeneca từ chương trình Covax và từ nguồn đặt mua. Khi đó, Việt Nam sẽ mở rộng đối tượng ưu tiên tiếp theo, theo đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ ngày 26-2-2021 về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.