Sau những tháng ổn định, tỷ giá USD/VND tăng mạnh trở lại trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất thêm 0,25%. Liên tiếp nhiều phiên, tỷ giá leo thang khiến nhiều người lo ngại cho sức chịu đựng của doanh nghiệp khi phải ứng phó với sự biến động này. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, tỷ giá khó có thể tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm.
Chịu nhiều áp lực
Nửa đầu năm 2023, tỷ giá USD/VND chủ yếu đi ngang sau 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và 4 lần tăng lãi suất của FED. Đến giữa tháng 7-2023, tỷ giá trung tâm đã lùi xuống mức 23.720 đồng/USD khi chỉ số Dollar Index (DXY) giảm mạnh xuống 99,91; tỷ giá ngân hàng thương mại cũng lùi xuống 23.646 đồng/USD, tương ứng VND chỉ mất giá 0,05% so với USD. Tuy nhiên, tỷ giá đã có sự đổi chiều khi DXY tăng liên tiếp trong bối cảnh FED nâng lãi suất thêm 0,25% trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 7 vừa qua.
Theo đó, tỷ giá USD/VND trong nước cũng bật tăng mạnh. Ngày 11-8, tỷ giá trung tâm ở mức 23.837 đồng/USD, tăng 117 đồng so với giữa tháng 7 và tăng 0,9% so với đầu năm 2023. Với biên độ ±5% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.645 VND/USD, tỷ giá trần là 25.029 VND/USD. Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tỷ giá niêm yết ở mức 23.540-23.910 VND/USD, tăng 220 VND so với đầu năm.
Đến ngày 16-8, tỷ giá trung tâm tăng 33 VND, tương tự giá mua - bán bạc xanh tại tất cả các ngân hàng cũng được điều chỉnh tăng mạnh với mức phổ biến 120-170 VND so với phiên ngày 15-8. Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.918 VND, tăng 37 VND. Như vậy, với 3 phiên tăng liên tiếp, tỷ giá trung tâm đã tăng 81 VND. Tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết giá bán USD ở mức 25.063 VND/USD, trong khi giá mua được giữ nguyên ở mức 23.400 VND/USD. Giá mua - bán “bạc xanh” tại tất cả các ngân hàng cũng được điều chỉnh tăng mạnh với mức phổ biến 120-170 đồng.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế và thị trường ngoại hối Việt Nam những tháng cuối năm 2023, Ngân hàng Shinhan (Shinhan Bank) nhận định, trước những áp lực từ nền kinh tế toàn cầu, tỷ giá VND/USD có thể tăng trong ngắn hạn.
Bảo đảm điều hòa được lượng ngoại tệ cho nền kinh tế
Số liệu mới nhất cho thấy, nguồn kiều hối vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào hơn 6,3 tỷ USD (tương đương 148 nghìn tỷ đồng) trong 6 tháng đầu năm 2023. Theo các chuyên gia, tỷ giá có thể quay đầu giảm với kỳ vọng Trung Quốc điều chỉnh các chính sách kinh tế, cũng như lĩnh vực sản xuất toàn cầu thoát khỏi đáy và phục hồi.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại dự báo, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cuối năm 2023 ở mức 95 tỷ USD. Vốn FDI và kiều hối ổn định, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ…
Về mối quan hệ giữa lãi suất và tỷ giá, đại diện một ngân hàng thương mại cho rằng, lãi suất thực còn ở mức rất cao dù Ngân hàng Nhà nước nỗ lực giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi, vì còn những lo ngại về hướng biến động của tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, những áp lực lên tỷ giá trong những tháng cuối năm sẽ giảm bớt do đồng USD trên thị trường thế giới khó có thể tăng (chỉ số DXY từ gần 115 điểm hiện chỉ còn 102 điểm và có thể còn tiếp tục giảm quanh mức 100 điểm), giảm áp lực đối với tỷ giá hối đoái trong nước.
Các tổ chức trong nước cũng đưa ra những dự báo về tỷ giá. Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, tỷ giá sẽ tăng khoảng 2% trong cả năm 2023, tỷ giá liên ngân hàng lên quanh mức 24.100 VND/USD. Ngân hàng Mizuho lại nhận định, tỷ giá sẽ là 23.800 VND/USD vào quý IV, Shinhan Bank dự báo trung bình năm tỷ giá USD/VND sẽ chỉ quanh mức 23.547 VND/USD, tức trong khoảng 23.400-23.700 VND/USD.
Nhiều chuyên gia cũng có chung ý kiến, việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá USD/VND trong quý III nhưng nguồn cung ngoại tệ tích cực (cán cân thương mại 7 tháng của năm thặng dư hơn 16 tỷ USD) được kỳ vọng giúp VND ổn định trở lại về cuối năm. Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam khoảng 100 tỷ USD nên Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt trong việc mua vào và bán ra để điều tiết tỷ giá và thị trường ngoại hối cũng là điều tích cực.
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, điều hành chính sách tiền tệ hiện nay còn khó hơn cả thời điểm cuối năm 2022. Bởi lẽ, điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế mở cửa không thể tránh những tác động từ chính sách tài chính, tiền tệ từ các quốc gia khác. Dù vậy, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để bảo đảm tỷ giá. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng bảo đảm điều hòa được lượng ngoại tệ cho nền kinh tế theo quan hệ thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.