Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tỷ giá USD/VND ổn định: Thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh

Hà Linh| 03/08/2019 07:46

(HNM) - Mặc dù vẫn có khá nhiều biến động trong những tháng đầu năm 2019, song đà tăng của tỷ giá USD/VND không quá lớn và không “nóng” như nhiều năm trước. Đặc biệt, thực tế này đã không gây áp lực cho các doanh nghiệp, bởi nhiều đơn vị đã chủ động ứng phó với tỷ giá bằng việc lập dự phòng rủi ro. Các chuyên gia cũng dự báo, từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định. Đây được đánh giá là điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là xuất - nhập khẩu của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chủ động ứng phó với tỷ giá

Nhận định về tỷ giá USD/VND những tháng đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, mặc dù những biến động trên thị trường quốc tế và khu vực những tháng đầu năm rất khó dự đoán, nhưng tỷ giá vẫn giữ được sự ổn định. Tỷ giá trung tâm điều hành 6 tháng đầu năm 2019 chỉ điều chỉnh khoảng 1%, còn tỷ giá thực tế giao dịch giữa các ngân hàng, liên ngân hàng mới điều chỉnh 0,3-0,4%.

Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam ở Hà Nội.

"Thị trường biến động bên ngoài, nhưng chúng ta hoàn toàn có đầy đủ công cụ để kiểm soát sự ổn định tỷ giá USD/VND, giữ được các cân đối của nền kinh tế. Trong những tháng đầu năm đã mua vào ngoại tệ rất lớn và đưa mức tổng dự trữ ngoại hối nhà nước cao nhất từ trước tới nay", Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Thực tế, trong những tháng đầu năm, tỷ giá USD/VND đã có những thời điểm điều chỉnh khá mạnh do những tác động từ tình hình kinh tế thế giới. Tuy nhiên, những biến động tỷ giá thời gian qua đã nằm trong tính toán của không ít doanh nghiệp. 

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán dầu khí (PSI) cho rằng, khi tỷ giá tăng, đối tượng hưởng lợi thuộc về những ngành xuất khẩu như: Thủy sản, dệt may, dầu khí, cao su, công nghệ... Trong đó, riêng đối với ngành Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 4 tỷ USD.

Còn đối với ngành Dệt may, doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ như Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ cũng được hưởng lợi không kém. Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc chiến lược của công ty này cho biết, đơn vị luôn duy trì tỷ trọng doanh thu xuất khẩu ở mức 50-60% tổng doanh thu, nên luôn có đủ nguồn USD để nhập khẩu nguyên liệu, trả nợ gốc và lãi vay. Do vậy, biến động của tỷ giá những tháng đầu năm nay không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh. Việc bán hàng và mua nguyên vật liệu của công ty vẫn ổn định.

Cũng theo bà Nguyễn Phương Chi, diễn biến tỷ giá USD/VND hiện nay khó có thể lường trước được do chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài, chẳng hạn như nguy cơ từ vấn đề thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, cho dù tỷ giá có biến động lớn thì với tỷ trọng doanh thu xuất khẩu cao, doanh nghiệp sẽ có được nguồn cung ngoại tệ ổn định để nhập khẩu và trả nợ. Do đó, việc ghi nhận lỗ từ tỷ giá sẽ không nhiều. Phần lớn lỗ tỷ giá mà doanh nghiệp đã và sẽ ghi nhận là khoản trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá theo nguyên tắc kế toán thận trọng và việc này không ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền.

Chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ (Viện Kinh tế - Tài chính) cho rằng, nếu so sánh với các tháng đầu năm, tỷ giá đã có những biến động trong tháng 5. Tuy nhiên, với mức biến động vẫn nằm trong khoảng +/- 1% và có lên có xuống, diễn biến tỷ giá trên thị trường về cơ bản vẫn có thể coi là ổn định.

Hiện nay, tỷ giá được Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết phổ biến ở mức 23.140 VND/USD (mua vào) - 23.260 VND/USD (bán ra). Các ngân hàng khác cũng niêm yết quanh ngưỡng này: Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank): 23.199 VND/USD (mua vào) - 23.259 VND/USD (bán ra); Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): 23.140 VND/USD (mua vào) - 23.260 VND/USD (bán ra). Trong khi đó, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.079 VND (ngày 1-8). 

Sẽ dao động không đáng kể 

Từ thực tế nêu trên, vấn đề được đặt ra là diễn biến tỷ giá sẽ như thế nào trong những tháng cuối năm? Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, tỷ giá trung tâm đã tăng trong quý II-2019, dù mức tăng không lớn. Mức thay đổi tỷ giá đang ngày một thấp hơn dưới áp lực từ những nguyên nhân khách quan (quý IV-2018 tăng 1,8%, quý I-2019 tăng 1%, quý II-2019 chỉ tăng 0,3%). Dự báo, trong những tháng cuối năm 2019, tỷ giá sẽ biến động không đáng kể.

Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định, sức ép từ tiến trình bình thường hóa tiền tệ ở các nền kinh tế lớn trên thế giới đã giảm bớt. Điều này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước bớt áp lực hơn trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất. Hai biến số này sẽ không có sự biến động nhiều trong năm 2019 và có thể nằm trong mức mục tiêu đã đề ra.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín, Giám đốc Trường Doanh nhân Bizlight nhận định, từ nay đến cuối năm, tỷ giá USD/VND sẽ ổn định và không tăng quá mức 2,5-3%; đây được xem là mức tăng hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất, mặt bằng tăng trưởng tín dụng và mục tiêu về kiềm chế lạm phát.

Đối với cơ quan điều hành, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại hối. Một trong những trọng tâm điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước là sẽ tiếp tục ổn định tỷ giá thông qua kiểm soát thanh khoản VND.

Như vậy, những lo ngại về rủi ro tỷ giá đã có thể nhẹ hơn, bởi Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng có những động thái can thiệp thị trường ngoại hối để duy trì ở trạng thái ổn định, qua đó góp phần giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là xuất - nhập khẩu của doanh nghiệp thuận lợi hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tỷ giá USD/VND ổn định: Thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.