(HNM) - Không nằm ngoài dự đoán, kể từ đầu tháng 12 đến nay, tỷ giá có nhiều phiên tăng cao trước áp lực của thị trường thế giới, cũng như nhu cầu sử dụng ngoại tệ cuối năm. Vậy, biến động tỷ giá này có đáng ngại?
Giao dịch ngoại tệ tại một ngân hàng thương mại. |
Liên tục lập “đỉnh”
Phiên giao dịch ngày 19-12, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.785 VND/USD, tăng khoảng 2 VND/ USD so với trước đó. Nếu so sánh với thời điểm đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng gần 400 VND/USD. Tỷ giá trung tâm được công bố ở 22.785 VND/ USD cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Như vậy, kể từ đầu tháng 12, tỷ giá trung tâm đã liên tục lập “đỉnh” mới.
Trước đó, phiên giao dịch ngày 17-12, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã tăng mạnh, đưa giá USD lên cao, với mức tăng 10-20 VND/USD. Với biên độ +/-3% so với tỷ giá trung tâm, tỷ giá sàn và tỷ giá trần mà các ngân hàng thương mại có thể áp dụng là 22.100 VND/USD - 23.466 VND/USD. Tại một số ngân hàng có giao dịch ngoại tệ lớn, giá USD cũng đồng loạt được điều chỉnh, với giá mua thấp nhất ở mức 23.240 VND/USD, giá mua cao nhất: 23.276 VND/USD. Trong khi đó, ở chiều bán ra, giá thấp nhất: 23.330 VND/USD, giá cao nhất: 23.368 VND/USD.
Thời gian qua, giá USD trên thị trường thế giới tăng lên mức cao nhất trong vòng 19 tháng qua khi tin tức kinh tế và chính trị đáng lo ngại. Đặc biệt là việc các nhà đầu tư đang quan tâm đến chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế chủ chốt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Anh và Ngân hàng Nhật Bản thông báo các thông tin liên quan tới chính sách tiền tệ.
Sự biến động của tỷ giá tác động ngay đến chi phí nhập khẩu và có độ trễ nhất định đối với giá xuất khẩu. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều có sự chuẩn bị cho đợt điều chỉnh tỷ giá cuối năm, bởi việc này đã được dự báo và gần như nằm trong quy luật. Ông Hồ Viết Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ khí xuất khẩu cho biết, việc tỷ giá tăng gây ảnh hưởng đến những đơn hàng máy móc cũng như vật liệu mà công ty phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thế nhưng, phần lớn hợp đồng đã được ký từ giữa năm, nên đợt điều chỉnh tỷ giá cuối năm nay sẽ chỉ tác động tới công ty trong năm 2019. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có nhiều đơn hàng xuất khẩu, nên tỷ giá tăng cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp có thêm nguồn thu, bù đắp cho chi phí dự kiến sẽ tăng vào năm tới.
Chủ động phương án điều hành tỷ giá
Thời điểm cuối năm, cầu ngoại tệ tăng đáng kể, nhưng ở một số ngân hàng tình hình không quá căng thẳng. Các ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi để thu hút nguồn kiều hối đổ về Việt Nam dịp cuối năm, góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ. Theo bộ phận phân tích khối khách hàng cá nhân thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), chênh lệch giữa tỷ giá tự do và chính thức thu hẹp về mức thấp nhất trong vòng 6 tháng gần đây. Mặc dù bước vào thời điểm nhu cầu USD tăng để nhập khẩu, trả nợ vay…, nhưng tỷ giá USD/VND vẫn được hỗ trợ bởi chênh lệch lãi suất USD - VND cao và kỳ vọng nguồn thu ngoại tệ từ một số giao dịch thoái vốn lớn tại các ngân hàng BIDV, VCB.
Nhận định về diễn biến của tỷ giá thời gian qua, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ cho rằng, diễn biến tỷ giá VND/USD trên thị trường trong nước theo rất sát những biến động ngắn hạn của đồng USD và đặc biệt là của đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế. Mặc dù tỷ giá trung tâm được xác định dựa trên một rổ tiền tệ, nhưng để bảo đảm sự linh hoạt của tỷ giá trong dài hạn, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm trong giai đoạn hiện nay cho dù xu hướng điều chỉnh của đồng nhân dân tệ không còn lớn.
Dự báo về diễn biến tỷ giá thời gian tới, theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, thị trường luôn có biến động khó lường. Trong khi, Ngân hàng Nhà nước không công bố công thức xác định tỷ giá trung tâm, nên khó có thể dự báo chính xác mức mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước hướng tới. Với mục tiêu lâu dài là chống đô la hóa, việc hạn chế và tiến tới chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ là chính sách trước sau cũng phải thực hiện - vấn đề là ở thời điểm nào. Hiện nay kinh tế đang tăng trưởng tốt và xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn trong các năm 2019-2020 nếu kinh tế thế giới không rơi vào suy thoái. Nếu Ngân hàng Nhà nước không thực thi mạnh các chính sách chống đô la hóa vào lúc này, thì khó có thời điểm nào thuận lợi hơn để thực hiện.
Về chính sách điều hành tỷ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phương án điều hành tỷ giá, sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cung - cầu thị trường có vấn đề, để kiểm soát, tránh biến động gây bất ổn vĩ mô. "Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ công cụ và khả năng để sẵn sàng gia nhập thị trường ngoại tệ bất cứ khi nào thị trường có bất ổn" - ông Lê Minh Hưng cho biết.
Do sự biến động của tỷ giá nên tăng trưởng tín dụng ngoại tệ giảm nhanh những tháng gần đây. Doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang vay VND thay vì vay ngoại tệ để tránh rủi ro. Cầu vay vốn VND tăng, tỷ trọng vay VND cũng tăng lên trong cơ cấu tín dụng góp phần nâng cao giá trị của VND, giảm dần tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.