Tài chính

Tỷ giá dịp cuối năm: Áp lực nhưng không đáng ngại

Hà Linh 17/12/2023 - 06:42

Mặc dù tỷ giá USD/VND vẫn ở mức khá cao, song không biến động lớn trong những phiên giao dịch thời gian qua. Thậm chí có thời điểm, tỷ giá USD/VND còn giảm, trái với thông lệ hằng năm. Theo giới chuyên gia, áp lực tỷ giá vào cuối năm vẫn còn, nhưng không đáng ngại.

ngan-hang-1.jpg
Khách hàng giao dịch USD tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á. Ảnh: Quang Thái

Tăng hơn 700 VND/USD so với đầu năm

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá có xu hướng giảm. Ngày 15-12, tỷ giá niêm yết tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 24.040 VND/USD (mua vào) - 24.441 VND/ USD (bán ra), tiếp tục giảm khoảng 25 VND/USD so với cuối tuần trước cũng như so với đầu tháng 12-2023. Tại Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm được áp dụng là 23.882 VND/USD.

Nhìn lại thời điểm đầu năm 2023, tỷ giá trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước là 23.612 VND/USD (ngày 1-1-2023), trong khi tỷ giá tại các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 23.410 VND/USD (mua vào) - 23.730 VND/USD (bán ra).

Như vậy, tỷ giá trung tâm hiện tại đã tăng 270 VND/USD, còn tỷ giá của các ngân hàng thương mại cũng tăng hơn 700 VND/USD. Năm 2022, “mức đỉnh” của tỷ giá trung tâm là 24.000 VND/USD, trong khi tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng tiến sát mức 24.888 VND/USD.

Kể từ cuối tháng 9-2023, để khắc phục tình trạng thừa tiền VND trong hệ thống ngân hàng và tránh tình trạng đầu cơ tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành lượng lớn tín phiếu ra thị trường. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 21-9 đến 8-11, Ngân hàng Nhà nước đã có 34 đợt phát hành tín phiếu với hình thức đấu thầu lãi suất. Tổng giá trị tín phiếu phát hành đạt 360.345 tỷ đồng. Từ ngày 19-10 đến 18-11, Ngân hàng Nhà nước đã “bơm” trở lại thị trường 165.695 tỷ đồng, đưa lượng tín phiếu đang lưu hành về 194.650 tỷ đồng.

ngan-hang-2.jpg
Từ ngày 21-9 đến 8-11, Ngân hàng Nhà nước đã có 34 đợt phát hành tín phiếu với tổng giá trị đạt 360.345 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng, góp phần rút chênh lệch lãi suất USD và tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng xuống còn 2-3%/năm thay vì gần 5%/năm trước đó. Lãi suất USD dao động từ mức 5,08 đến 5,82%/năm.

Tỷ giá có thời điểm tăng mạnh được lý giải là do tình trạng đầu cơ “găm” ngoại tệ để hưởng chênh lệch tỷ giá thường “nóng” vào cuối năm. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá vẫn còn do tình trạng chênh lệch lãi suất USD và tiền VND, cũng như đà tăng giá của đồng ngoại tệ này trên thị trường quốc tế.

Diễn biến của tỷ giá trong tháng 11 cũng như nửa đầu tháng 12-2023 hầu như không biến động theo hướng tăng mà trái lại còn “hạ nhiệt”.

Nhiều dư địa duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, áp lực đối với tỷ giá vẫn còn, do lợi suất tại thị trường Mỹ tăng kỷ lục, cùng với việc chỉ số đồng USD neo ở mức cao. Khoảng cách giữa tiền VND và USD vẫn cao, tiền VND tiếp tục mất giá so với đồng USD. So với đầu năm 2023, tiền đồng đã mất giá khoảng 3,5-4,3%, đồng thời tỷ giá trên thị trường chính thức tăng mạnh hơn tỷ giá trên thị trường tự do.

Tuy nhiên, áp lực mất giá tiền VND sẽ được kiềm chế và tỷ giá có thể giảm trở lại trong những ngày tới khi cung - cầu ngoại tệ trong nước sẽ hỗ trợ để chống chọi với áp lực từ bên ngoài. Tỷ giá cũng được hỗ trợ bởi nguồn cung dồi dào hơn từ thặng dư thương mại. Cùng đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và kiều hối duy trì tích cực.

Còn theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục hạ nhiệt do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất.

Tỷ giá USD/VND có thể dao động trong khoảng 24.300-24.400 VND/USD. Một trong những yếu tố giúp hỗ trợ cho sự ổn định của VND là dòng vốn FDI chảy vào thị trường Việt Nam tăng mạnh. Bên cạnh đó, giá trị thặng dư thương mại dự kiến đạt khoảng 27 tỷ USD và dòng kiều hối dự kiến đạt 14 tỷ trong năm 2023 là các yếu tố hỗ trợ đáng kể cho tỷ giá USD/VND.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, giá USD vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước và xu hướng từ nay đến đầu năm tới là giảm dần do Mỹ sẽ không tăng mạnh lãi suất. Đặc biệt, thặng dư cán cân thanh toán lớn, tương đương ngoại tệ thu vào nhiều hơn chi ra, giải ngân FDI tăng, lượng kiều hối về Việt Nam tiếp tục lớn. “Áp lực tỷ giá là có nhưng không quá lớn. Việc điều hành tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước đang tạo ra sự yên tâm cho thị trường nên sẽ không biến động mạnh. Tỷ giá USD/VND cả năm 2023 cũng biến động trong biên độ bình thường, dưới 3% như kịch bản đưa ra từ đầu năm”, ông Đinh Trọng Thịnh nêu.

Đại diện của nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, kịch bản tỷ giá USD/VND hạ nhiệt sẽ là tin vui cho các doanh nghiệp nhập khẩu, khi gánh nặng về chi phí nguyên liệu sẽ nhẹ bớt.

Không chỉ vậy, một số doanh nghiệp có nợ vay bằng đồng USD như ngành dầu khí, bất động sản, hàng không hay điện cũng “dễ thở” hơn. Tỷ giá hạ nhiệt cũng giúp tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều dư địa để tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, kéo theo lãi suất huy động tiếp tục giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỷ giá dịp cuối năm: Áp lực nhưng không đáng ngại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.