Kinh tế

Tỷ giá biến động, doanh nghiệp nhập khẩu lo lắng

Hà Linh 13/09/2023 13:51

Tỷ giá biến động chủ yếu theo hướng tăng những tháng gần đây khiến không ít doanh nghiệp “đứng ngồi không yên”, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu.

Trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, tỷ giá tăng nhanh cũng tác động thiếu tích cực tới "sức khỏe" doanh nghiệp.

giao-dich-ngoai-te-13-9.jpg
Tỷ giá tăng khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.

Nhiều hệ lụy

Theo các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, tỷ giá tăng kéo theo nhiều vấn đề về chi phí vận chuyển, container hàng nhập khẩu đội lên; giá nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng… khiến chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận và sức cạnh tranh của hàng hóa giảm.

Tổng giám đốc một công ty kinh doanh hải sản ở Hà Nội cho hay, doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng thường xuyên từ Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… và hợp đồng nhập khẩu chủ yếu được thanh toán bằng USD. Sự biến động của tỷ giá kể từ giữa tháng 6 đến nay khiến doanh nghiệp gặp khó. Tỷ giá tăng quá nhanh, khiến toàn bộ nguyên liệu đầu vào tăng theo, trong khi giá thành bán ra lại khó có thể tăng. Do vậy, doanh nghiệp đang cố tiết giảm những chi phí khác, cũng như dùng nguồn vốn tích trữ để chi trả cho những khoản chênh lệch của tỷ giá.

Cùng tình trạng, các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị hàng nhập khẩu cũng đang phải nỗ lực bù chênh lệch tỷ giá. Mặc dù đã tính toán trước những biến động, nhưng các doanh nghiệp này tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn vì tỷ giá tăng nhanh.

Đại diện siêu thị bán hàng nhập khẩu trên phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, cho hay, các mặt hàng bán tại siêu thị đều có giá trị không lớn, nên tăng giá quá cao cũng khó cạnh tranh với các siêu thị khác. Trong bối cảnh hiện nay, người dùng phải cắt giảm chi tiêu do nền kinh tế chưa thực sự hồi phục, nên nếu đồ tiêu dùng bị đẩy giá cao thì nhiều người sẽ không chấp nhận.

Thực tế, với các doanh nghiệp nhập khẩu, nếu làm thử một phép tính, cứ một triệu USD nhập khẩu hàng hóa trước đây chỉ trả khoảng 23 tỷ đồng, nay tăng lên hơn 24 tỷ đồng. Doanh nghiệp có quy mô nhập khẩu càng lớn thì phần chênh lệch tỷ giá càng cao. Với hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu, ngay cả khi mua hàng hóa từ các quốc gia không sử dụng đồng USD như Thái Lan, Nhật Bản, hay các quốc gia ở châu Âu… đều phải thực hiện thanh toán bằng USD, khiến mức chi phí “đội” lên không nhỏ. Theo tính toán của doanh nghiệp, tỷ giá tăng đã làm tổng chi phí tăng thêm khoảng 0,5%.

Vẫn nằm trong dự trù

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra khá lạc quan, vì khoản chênh lệch tỷ giá vẫn nằm trong khoảng dự trù trượt giá dự tính trước đó. Vì thế, trong bối cảnh sức mua chưa phục hồi, các doanh nghiệp chưa có kế hoạch điều chỉnh giá bán theo đà tăng của USD.

Thế nhưng, ở chiều ngược lại, doanh nghiệp xuất khẩu lại có lợi nhờ tỷ giá chênh lệch. Theo lãnh đạo Công ty gốm sứ Minh Hà, doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu, việc tăng tỷ giá USD/VND sẽ có lợi. Bởi, doanh nghiệp bán sản phẩm ra thị trường Mỹ và các nước châu Âu để thu về USD, trong khi chi phí sản xuất trong nước được thanh toán bằng tiền Việt. Ngoài ra, công ty đã ký hợp đồng bán sản phẩm cho nhiều đối tác từ đầu năm, nên việc tăng tỷ giá sẽ càng có lợi nếu ký được các hợp đồng xuất khẩu mới.

Song, đó chỉ là lợi ích ngắn hạn, nếu tỷ giá tiếp tục leo thang, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều bất lợi khi phải nhập khẩu nhiều nguyên, vật liệu từ nước ngoài.

Đại diện doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) cho hay, doanh nghiệp có nhiều đơn xuất khẩu đi Đức, Nhật Bản hay Mỹ… nhưng nhiều nguyên, vật liệu lại nhập từ nước khác, nên đà tăng tỷ giá “phi mã” như thời gian qua sẽ là khó khăn lớn. Bởi hầu hết các hợp đồng xuất khẩu đã ký cho đầu năm và xuất khẩu hàng hóa vào cuối năm, nên doanh nghiệp không kịp tăng giá sản phẩm.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, việc tỷ giá USD/VND biến động mạnh thời gian gần đây không phải nhất thời mà đang tạo ra một xu hướng tăng. Tuy nhiên, xu hướng này có kéo dài hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhu cầu về nhập khẩu tăng cũng khiến nhu cầu về USD tăng. Tỷ giá có thể được cân bằng lại trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng dự trữ ngoại hối để bán ra, làm giảm áp lực tỷ giá thị trường hối đoái. Trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, giá trị USD sẽ tiếp tục tăng.

Nêu giải pháp cho những biến động của tỷ giá, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp nên có biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá để tránh những biến động khó lường của thị trường. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể lựa chọn những ngân hàng có chính sách tài trợ thương mại hấp dẫn, sử dụng các công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi…

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định, cung cầu ngoại tệ thuận lợi, dòng vốn tiếp tục chảy vào nền kinh tế cũng như các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt của cơ quan này là những yếu tố hỗ trợ sự ổn định của thị trường ngoại tệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỷ giá biến động, doanh nghiệp nhập khẩu lo lắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.