(HNM) - Bộ Tư pháp đang chú trọng việc rà soát lại, kiến nghị phương án chỉnh sửa hệ thống văn bản pháp luật, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Theo TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản pháp luật, không ít địa phương và các bộ, ngành TƯ có biểu hiện bảo thủ trong công tác xây dựng văn bản pháp luật.
Nhiều bộ, tỉnh và thành phố "vượt đèn đỏ"
TS Lê Hồng Sơn khẳng định, qua khảo sát cho thấy, vẫn còn 7 bộ và nhiều tỉnh, thành có ban hành văn bản trái luật là: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công thương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Xây dựng; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính; Bộ Y tế; thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Nghệ An, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Giang, Kon Tum, Quảng Nam, Đắc Nông, Bình Định, Ninh Thuận, Quảng Bình, Đồng Nai… Trong đó, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế và thành phố Hồ Chí Minh nhận được nhiều văn bản nhắc nhở nhất nhưng chưa có phản hồi về phương án khắc phục.
Trước đó, khi nhận phản ánh của người dân về nội dung trái luật trong Quyết định số 54/2007/QĐ-UBND TP Hồ Chí Minh về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, GCN quyền sở hữu nhà ở, GCN quyền sử dụng đất, Bộ Tư pháp đã cấp tốc kiểm tra thông tin này. Kết quả cho thấy, danh mục các loại giấy tờ về tạo lập nhà ở, đất ở làm cơ sở pháp lý để cấp giấy chứng nhận, UBND TP Hồ Chí Minh có nhiều quy định bất hợp lý. Đó là yêu cầu phải có biên bản nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành để đưa vào sử dụng, biên bản nghiệm thu hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bàn giao cho UBND quận, huyện hoặc Sở Giao thông Công chính quản lý để đưa vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng.
Đối chiếu với các loại giấy tờ làm cơ sở để cấp GCN theo Luật Đất đai và các Nghị định 90/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Nghị định 88/2009/NĐ-CP về cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất, đều không quy định các loại giấy tờ nói trên. Đến nay, hơn 3 năm sau ngày ban hành và gần 10 tháng từ khi Bộ Tư pháp phát hiện, chỉ lỗi này, Quyết định 54 vẫn đang là cơ sở pháp lý để TP Hồ Chí Minh xem xét cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, GCN quyền sở hữu nhà ở, GCN quyền sử dụng đất cho người dân, tổ chức trên địa bàn này.
Dân tốn nhiều thời gian, công sức lo những giấy tờ mà thành phố tự ý đề ra, cán bộ thi hành thì vấp phải sự phản ứng từ không ít người đến làm thủ tục.
Thiếu chế tài xử lý
Một việc gây nhiều bức xúc cho dân nữa là quy định tại Thông tư liên tịch của Bộ Y tế - Tài chính (số 09). Trong đó quy định, để được nhận bảo hiểm y tế, người bị tai nạn giao thông cần phải có giấy xác nhận không vi phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền là đơn vị nào thì Thông tư không làm rõ, gây phiền hà, bế tắc cho người hưởng bảo hiểm y tế.
Sau khi bị Bộ Tư pháp "tuýt còi" nội dung trên, Bộ Y tế phân trần rằng đơn vị có thẩm quyền xác nhận là cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người bị tai nạn có đến xin giấy này nhưng cảnh sát giao thông không đủ dữ liệu để cấp. Do nhiều trường hợp tai nạn xảy ra nhưng lực lượng này không đến kịp, hiện trường bị xáo trộn hoặc người gây tai nạn trốn, người bị hại không có ai làm chứng nên không thể kết luận nguyên nhân gây ra tai nạn. Mặt khác, hiện pháp luật chưa có bất kỳ quy định, mẫu cụ thể nào về việc cấp giấy xác nhận không vi phạm luật giao thông cho người bị tai nạn. Hai chi tiết trên cho thấy, Thông tư 09 có nhiều điều khoản "siêu thực", là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không ít người bị tai nạn giao thông không được hỗ trợ hoặc thanh toán bảo hiểm y tế, ngay cả khi họ không có lỗi. (Dư luận gọi tên hiện tượng này bằng 6 chữ mỉa mai - "thu tối đa, chi tối thiểu").
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay Bộ Y tế đang âm thầm khắc phục tình trạng trên bằng cách soạn thảo thông tư mới. Nhưng biện pháp quan trọng nhất là phải đình chỉ phần "sản phẩm bị lỗi" lại không được thực hiện. Ban Dân nguyện của Quốc hội khẳng định, đây cũng là một trong những vấn đề cử tri kêu nhiều nhưng chính vì cách giải quyết của Bộ Y tế chưa thấu đáo nên đang gây bức xúc kéo dài. Đáng tiếc là không riêng Bộ Y tế mà tất cả các chủ thể Bộ Tư pháp vừa điểm tên trên đều không chịu thực thi Khoản 1 Điều 23 Nghị định 40/2010/NĐ-CP (quy định thời hạn 30 ngày để các cơ quan, cá nhân ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật tự kiểm tra, xử lý và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra văn bản). Chia sẻ với Hànộimới, ông Lê Hồng Sơn nói, an ủi lớn nhất của ngành này là những lá thư cảm ơn của công dân. Công tác "tuýt còi" văn bản trái luật chỉ là tiếng kẻng ban đầu cho chúng ta biết được chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền đối với các doanh nghiệp và người dân đến đâu. Vấn đề đặt ra sau đó là cần phải có chế tài xử lý các đơn vị cố tình "vượt đèn đỏ". Như vậy, công tác hậu kiểm mới được đặt đúng vị trí, vai trò của nó trong cả quy trình ban hành và thực thi văn bản quy phạm pháp luật.
Một số văn bản bị “tuýt còi” đáng chú ý - Thông tư số 19/2008/TT- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn về bảo hiểm xã hội bắt buộc. - Quyết định số 15/2008/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành Quy chế hành nghề chứng khoán. - Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định quản lý sản xuất, kinh doanh rau, quả và chè an toàn. - Quyết định số 07/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An ban hành quy định về quản lý hoạt động lái xe ô tô chở khách từ 10 chỗ ngồi trở lên trên địa bàn tỉnh Nghệ An. - Quyết định số 54/2007/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại địa phương này… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.