Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyên truyền phổ biến pháp luật: Lấy người dân làm trung tâm

Hà Phong - Lý Thị Mai| 04/01/2022 07:00

(HNM) - Năm 2021, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cơ bản bám sát điều kiện thực tiễn để xây dựng các mô hình phù hợp gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, vẫn cần tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền để tạo các kênh tương tác tiết kiệm, hiệu quả, hấp dẫn với phương châm lấy người dân làm trung tâm.

Cán bộ phường Cống Vị (quận Ba Đình) tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Quang Thái

Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc thông tin, trong số 63 tỉnh, thành phố, hoạt động phổ biến pháp luật của Hà Nội là một điểm sáng. Các cấp ủy, chính quyền thành phố luôn quan tâm tạo cơ chế, bố trí nguồn lực cho Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố để thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là đối với công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch. Sở Tư pháp Hà Nội cũng đã tham mưu ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn công tác tuyên truyền phòng, chống dịch; phối hợp tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19” trên địa bàn thành phố Hà Nội... Vì vậy, các vi phạm quy định về phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố rất hạn chế. Điều này chứng tỏ công tác phổ biến pháp luật đã thấm sâu vào cuộc sống, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, trong số các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật được đánh giá cao, nổi bật là tuyên truyền qua mạng xã hội (Facebook); chương trình tư vấn pháp luật trực tiếp trên sóng phát thanh; tọa đàm pháp luật…

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) cho hay, công tác phổ biến pháp luật thời gian qua đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả như: Duy trì mô hình mỗi tuần một câu hỏi, một điều luật; Chương trình tiếng loa biên phòng tới từng thôn, bản trong đợt dịch Covid-19 (gắn loa vào xe máy đi tuyên truyền); Chương trình biên giới học đường - đối với các đơn vị gần cửa khẩu có các trường học thì bộ đội biên phòng phối hợp với trường học tổ chức các chương trình ngoại khóa để giới thiệu cột mốc quốc gia cho các em học sinh…

Tuy nhiên, bên cạnh các điểm sáng, báo cáo đánh giá của một số bộ, ngành, địa phương nhận định, công tác phổ biến pháp luật vẫn nặng về hình thức, phong trào, mà chưa đi vào thực chất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân và xã hội...

Ông Lê Vệ Quốc cho biết, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan tham mưu ban hành một số đề án như: Đề án tổ chức truyền thông chính sách để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai từ sớm, từ xa ngay trong quy trình đề xuất chính sách, soạn thảo văn bản để định hướng, tạo dư luận xã hội để khi văn bản được ban hành sẽ mang hơi thở cuộc sống, tạo sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, bên cạnh triển khai bằng hình thức truyền thống, cần quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin để tạo kênh tuyên truyền tiết kiệm, hiệu quả; nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần đầy đủ, toàn diện, vừa bảo đảm cập nhật các văn bản mới ban hành, vừa giúp giải đáp được các vấn đề pháp luật cụ thể cần áp dụng trong đời sống và sản xuất, kinh doanh, với phương châm lấy người dân làm trung tâm. Bộ Tư pháp cũng sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện để các ban, bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền trong thời gian tới.

Ở góc nhìn khác, nguyên Ủy viên chuyên trách Ban Cải cách tư pháp Trung ương, nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Tất Viễn cho rằng, ở giai đoạn tới, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cần có cái nhìn khác ở tầm cao hơn, yêu cầu cao hơn. Bên cạnh việc chú ý đến nhu cầu, đối tượng phổ biến để có phương thức phổ biến pháp luật phù hợp, đặc thù, cần quan tâm tới chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật, huy động lực lượng có kiến thức, am hiểu pháp luật tham gia vào công tác này, sử dụng hiệu quả nguồn lực của hệ thống tuyên truyền, phải dân vận khéo hơn nữa, nhất là đối tượng yếu thế, dân tộc thiểu số…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tuyên truyền phổ biến pháp luật: Lấy người dân làm trung tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.