Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyển sinh lớp 10 THPT: Siết chặt “đầu vào”

Thống Nhất| 18/12/2014 06:23

(HNM) - Thông tin mới nhất từ Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm học 2015-2016, công tác tuyển sinh (TS) vào lớp 10 THPT sẽ không có nhiều thay đổi so với năm học 2014-2015.

Ôn tập tốt sẽ giúp các thí sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2015-2016.
Ảnh: Nhật Nam


Điểm thi chiếm 2/3 tổng điểm xét tuyển

Kết hợp thi tuyển với xét tuyển là phương thức TS lớp 10 THPT đã được Hà Nội duy trì từ gần chục năm trở lại đây. Thực tế triển khai những năm qua cho thấy, đây là phương án phù hợp với điều kiện ở các nhà trường, bảo đảm đánh giá, phân loại được "đầu vào" của các trường THPT. Cách thức này vừa đánh giá được kết quả thi của hai môn văn hóa cơ bản, đồng thời xét được cả quá trình học tập, rèn luyện của HS trong suốt 4 năm học ở cấp THCS. Việc sử dụng phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển không chỉ là căn cứ để TS lớp 10 THPT, mà còn có tác động tích cực, làm chuyển biến kết quả dạy và học ở các trường THCS theo hướng toàn diện và bền vững.

Điểm xét tuyển là tổng điểm thi hai môn ngữ văn, toán, điểm kết quả học tập, rèn luyện của HS ở cấp THCS và điểm cộng thêm (nếu có). Tổng điểm xét tuyển tối đa (chưa tính điểm cộng thêm) là 60, trong đó thành phần điểm thi chiếm 2/3. Các bài thi được chấm theo thang điểm 10, lẻ đến 0,25 và được tính hệ số 2. Nếu HS có một trong hai bài thi bị điểm 0 thì sẽ không được đưa vào diện xét tuyển. Điểm học tập và rèn luyện được tính theo kết quả xếp loại cả năm về hạnh kiểm và học lực của HS trong từng năm của cấp THCS (lớp 6, 7, 8, 9 - nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó) và có mức điểm tối đa mỗi năm là 5.

Như năm học trước, Sở GD- ĐT sẽ tổ chức một kỳ thi chung cho tất cả HS tham dự vào lớp 10 THPT năm học 2015-2016. Mỗi HS đăng ký dự tuyển vào lớp 10 đều phải dự thi đủ hai môn ngữ văn và toán. Đề thi do Sở GD-ĐT xây dựng và dùng chung cho mọi HS, bất kể HS có nguyện vọng vào lớp 10 THPT công lập hay ngoài công lập. Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết sẽ thông báo thông tin chi tiết về nội dung đề thi, điều kiện dự tuyển… để các nhà trường có căn cứ trong dạy học và định hướng sớm cho HS. Trong đó, đề thi sẽ được xây dựng căn cứ theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THCS hiện hành, chủ yếu thuộc chương trình lớp 9.

Cắt chỉ tiêu ở điểm trường thứ hai

- Năm học 2015-2016, HS tốt nghiệp THCS có thể đăng ký dự tuyển vào 4 loại hình trường: THPT công lập, THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp.
- Số lượng tốt nghiệp THCS năm học 2014-2015: Khoảng 80 nghìn HS.

Năm học 2015-2016 là năm thứ hai Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục tăng cường các biện pháp mạnh trong việc tuyển chọn "đầu vào" các trường THPT. Trước khi giao chỉ tiêu TS lớp 10 vào khoảng tháng 4 tới đây, Sở GD-ĐT sẽ thành lập các đoàn đi kiểm tra điều kiện TS ở các nhà trường. Những đơn vị không bảo đảm các điều kiện chất lượng dạy học (về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…) sẽ không được giao chỉ tiêu TS năm học mới. Chỉ tiêu được giao cho các trường THPT công lập được hạn chế ở "mức trần" 40 HS/lớp. Đây vừa là điều kiện để các trường công lập nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, vừa dành nguồn tuyển cho các loại hình trường khác.

Với các trường THPT ngoài công lập (NCL), để được giao chỉ tiêu TS, các trường phải đáp ứng đủ điều kiện theo Quyết định số 4151/QĐ-SGD&ĐT ngày 14-2-2014 gồm 5 tiêu chuẩn: Tổ chức bộ máy và đội ngũ; cơ sở vật chất; tài chính; chuyên môn; tuyển sinh, trong đó 3 tiêu chuẩn đầu là bắt buộc, nếu không bảo đảm một trong 3 tiêu chuẩn này thì coi như không đạt yêu cầu và dứt khoát không được giao chỉ tiêu TS lớp 10. Năm ngoái có 7 trường THPT NCL đã không được giao chỉ tiêu lớp 10. Đây là năm thứ hai, Sở GD-ĐT Hà Nội kiên quyết và chặt chẽ với "đầu vào" của các trường THPT NCL. Tại hội nghị với đại diện của 93 trường THPT NCL vừa diễn ra cuối tuần qua, lãnh đạo Sở GD-ĐT nhắc nhở các trường lưu ý chiểu theo các tiêu chí đã quy định để chuẩn bị điều kiện TS, chấm dứt tình trạng sát đến thời điểm TS vẫn đòi cho nợ tiêu chuẩn. Một yêu cầu bắt buộc khác là phải có cam kết thuê, mượn địa điểm ít nhất trong 3 năm học để bảo đảm cho HS học hết chương trình THPT. Hiện có 46% số trường THPT NCL còn thuê, mượn địa điểm để tổ chức dạy học.

Số lượng chỉ tiêu được giao cho từng trường THPT NCL được tính toán dựa trên các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục thực tế và không được tuyển quá 10% đối với các trường có chỉ tiêu trên 200 HS. Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó phòng Kế hoạch - tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Hà Nội đã thực hiệc việc cắt giảm chỉ tiêu đối với các trường NCL có từ hai điểm trường trở lên. Nếu như năm học trước, tại điểm trường thứ hai của trường được giao chỉ tiêu 1 lớp, thì năm nay sẽ không giao nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyển sinh lớp 10 THPT: Siết chặt “đầu vào”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.