(HNM) - Mặc dù chưa kết thúc kỳ tuyển sinh năm nay nhưng phương hướng tuyển sinh cho những năm sắp tới đã được dư luận quan tâm tìm hiểu bên cạnh việc nhiều trường bày tỏ mong muốn có được sự chủ động cũng như những chính sách công bằng hơn trong công tác này.
Hướng mới cho tuyển sinh?
Vào giữa tháng 8 vừa qua, chỉ ít ngày sau khi điểm sàn được Bộ GD-ĐT công bố, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam đã kiến nghị Bộ bỏ điểm sàn và cho rằng cơ chế tuyển sinh hiện hành khó thỏa mãn được việc đào tạo nhân lực cho những vùng miền chậm phát triển giáo dục phổ thông. Mặc dù theo Hội đồng điểm sàn của Bộ, việc xác định điểm sàn đã có tính toán đến những yếu tố như vùng miền, ngành nghề khó tuyển, đến những trường, ngành đặc thù hoặc phải đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực đặc biệt cho một số địa bàn. Song Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam lại có sự nhìn nhận khác: Dù ở bình diện cả nước, số thí sinh đạt điểm sàn có thừa so với chỉ tiêu cần tuyển, nhưng thực tế nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Mặt khác, nhiều thí sinh đạt điểm cao không được học vì không có điều kiện di chuyển đến vùng miền khác.
Các thí sinh trao đổi sau kỳ thi ĐH, CĐ năm 2010 tại Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam |
Tại hội nghị tổng kết của giáo dục ĐH diễn ra đầu tháng 9, ông Nguyễn Hữu Tuệ, Hiệu trưởng ĐH Bắc Hà cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT nên giao trách nhiệm tuyển sinh cho các trường và nên bỏ khái niệm điểm sàn, bởi: việc quyết định điểm sàn là không chính xác và bất hợp lý cả về mặt chuyên môn lẫn chiến lược.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã quả quyết: Không thể bỏ điểm sàn, bởi: "Đó là điều kiện cần thiết của SV vào học. Nếu bỏ điểm sàn thì ai cũng vào được ĐH, CĐ, khó kiểm soát chất lượng". Ngoài ra, theo Thứ trưởng, với điểm sàn đó, mức cung thí sinh đã được tính toán bảo đảm dư nguồn tuyển cho các trường.
Trước những ý kiến cho rằng cần phải thay đổi phương thức tuyển sinh, Thứ trưởng cho biết: Trong thời gian sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến các trường ĐH, CĐ, các sở GD- ĐT cũng như của cả xã hội để bàn về phương án tuyển sinh hợp lý. Còn hiện nay, Thứ trưởng nhấn mạnh là chưa có thay đổi gì lớn, có chăng là định hướng cải tiến việc tuyển sinh cho phù hợp. Theo đó, có thể có một cách tiếp cận khác về tuyển sinh, như các trường CĐ không nhất thiết phải thi mà chỉ lấy kết quả thi ĐH để xét tuyển, hay mỗi lần thi sẽ thi một số môn nhất định. Hiện ĐH đang thi riêng các khối A, B, C, D, có thể sau này sẽ thi chung một khối với số môn thi tăng lên để thí sinh tự chọn. Như vậy, thay vì ba kỳ thi như hiện nay, chúng ta chỉ cần một kỳ thi để có kết quả xét tuyển vào tất cả các trường, giảm được gánh nặng cho xã hội, cho gia đình thí sinh. Các trường có nhu cầu chất lượng đầu vào cao hơn có thể còn có hình thức thi khác thích hợp như phỏng vấn.
Vẫn lình xình đào tạo ngoài ngân sách
Một trong những hạn chế của kỳ thi "3 chung" mà nhiều trường đang muốn cải tiến là tình trạng thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1. Và việc tuyển sinh hệ ngoài ngân sách đã ra đời từ vài năm trở lại đây với mục đích giúp thí sinh có được chỗ học phù hợp với học lực. Mức điểm trúng tuyển hệ này sẽ thấp hơn so với điểm chuẩn nguyện vọng 1 nhưng chênh lệch không quá 2 điểm. Sinh viên sẽ được cấp bằng ĐH chính quy dài hạn nhưng không được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí đào tạo mà sẽ phải chịu 100% kinh phí học tập, tức là cao gấp 3-5 lần so với bình thường. Mặc dù tạo thêm được cơ hội cho một số thí sinh điểm cao, song có nhiều ý kiến cho rằng việc một số trường công lập được tuyển thêm chỉ tiêu đã tạo cho các trường ngoài công lập những trở ngại và phức tạp mới, rất khó tuyển đủ chỉ tiêu được phê duyệt. Đó cũng là lý do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam có văn bản gửi Bộ GD-ĐT đề nghị dừng việc tuyển sinh hệ B (hệ ngoài ngân sách) ở các trường ĐH, CĐ công lập vào tháng 8 vừa qua.
Đặc biệt, vào tháng 10-2009, khi yêu cầu các trường báo cáo về kế hoạch tuyển sinh năm 2010, Bộ GD-ĐT đã khẳng định: Điểm mới trong mùa tuyển sinh 2010 là chỉ có duy nhất chỉ tiêu do các trường tự xác định và báo cáo bộ, không có khái niệm chỉ tiêu ngoài ngân sách.
Thế nhưng, hiện nay, ít nhất có 4 trường là ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã được Bộ cho phép xét tuyển hàng trăm chỉ tiêu hệ ngoài ngân sách mỗi trường trong mùa tuyển sinh 2010. Ở Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển còn thấp hơn của nguyện vọng 1 tới 4-5 điểm. Thậm chí trường còn công bố điểm chuẩn hệ ngoài ngân sách ngay khi thông báo điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 và gọi chệch là "điểm chuẩn đối với đối tượng học sinh đóng góp học phí theo nhu cầu".
Chỉ là một giải pháp tình thế, song việc tuyển sinh ngoài ngân sách đã kéo dài nhiều năm và gây nên dư luận về sự thiếu công bằng trong việc tuyển sinh cũng như cuộc đua vào ĐH của các thí sinh. Tuyển sinh một cách hợp lý theo năng lực của từng trường vẫn đang là mong ước xa vời của các trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.