Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyển sinh đại học năm 2022: Tín hiệu tích cực từ ngành sư phạm

Thống Nhất| 06/10/2022 06:12

(HNM) - Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 cho thấy, điểm chuẩn vào ngành sư phạm tăng so với các năm trước. Đó là tín hiệu tích cực khi ngành này đã có sức hút với thí sinh; đồng thời khẳng định sự đúng đắn trong việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện ngành Giáo dục.

Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Đức

Những mảng màu sáng

Nhìn lại bức tranh tổng thể của kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 có thể thấy rõ những mảng màu sáng ở các ngành sư phạm. So với các năm trước, điểm chuẩn xét theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào hầu hết các ngành sư phạm ở các cơ sở đào tạo trên cả nước đều tăng hơn và thuộc tốp những ngành có mức điểm chuẩn cao nhất năm nay. Nhiều ngành thí sinh phải đạt 9,5 điểm/môn mới có cơ hội trúng tuyển. Chẳng hạn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 3 ngành lấy điểm chuẩn là 28,5 điểm, gồm: Giáo dục chính trị, sư phạm ngữ văn và sư phạm lịch sử. So với năm 2021, cả ba ngành này đều có mức điểm chuẩn cao hơn từ 0,25 đến 1 điểm.

Nhiều ngành sư phạm của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội năm nay cũng có mức điểm chuẩn cao, như: Sư phạm toán học - 33,95 điểm, sư phạm ngữ văn - 33,93 điểm... Với các ngành còn lại, nếu như mọi năm chỉ lấy bằng hoặc nhỉnh hơn một chút so với điểm sàn, thì năm nay thí sinh phải đạt từ 7 đến 8 điểm/môn mới trúng tuyển.

Tiến sĩ Trần Thị Hà Giang - Trưởng khoa Sư phạm (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) thông tin, mức điểm chuẩn nổi trội nhất năm nay là ngành sư phạm lịch sử với 36 điểm, trong khi các năm trước thường thấp hơn các ngành khoa học xã hội. Điều đáng mừng nữa là, đến nay, các ngành sư phạm đều có tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học đạt gần 100%. “Điểm chuẩn ngành sư phạm tăng thể hiện chất lượng “đầu vào” tốt hơn, từ đó sẽ có đội ngũ nhân lực tốt cho ngành Giáo dục”, Tiến sĩ Trần Thị Hà Giang nói.

Một ví dụ khác, Trường Đại học Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa) có 2 ngành lấy mức điểm chuẩn cao nhất, đó là sư phạm ngữ văn chất lượng cao và sư phạm lịch sử chất lượng cao với 39,92 điểm (thang điểm 40). Tính trung bình, thí sinh phải đạt 9,98 điểm/môn mới trúng tuyển. Ngành sư phạm lịch sử của trường này cũng có mức điểm chuẩn rất cao với 29,75 điểm (thang điểm 30).

Còn ở phía Nam, điểm chuẩn của tất cả các ngành sư phạm của Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đều tăng hơn so với năm 2021, dao động từ 20,03 đến 28,25 điểm...

Đại diện các trường cho rằng, có nhiều yếu tố tác động đến điểm chuẩn của ngành sư phạm năm nay, như số lượng thí sinh đăng ký nhiều hơn; phổ điểm các ngành khoa học xã hội cao hơn; việc áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính của Nhà nước với sinh viên ngành sư phạm...

Sinh viên ngành sư phạm Trường Đại học Thủ đô Hà Nội hoàn thiện các thủ tục y tế trong ngày nhập học.

Tập trung đào tạo sát với thực tế

Ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước đang bước sang năm thứ ba triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang khá phổ biến ở các địa phương. Tính đến tháng 6-2022, cả nước thiếu hơn 95.000 giáo viên. Để bù đắp số lượng giáo viên còn thiếu này, đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ phía các cơ sở đào tạo sư phạm, sự đồng hành của các địa phương và các chính sách liên quan.

Một trong những chính sách có tác động lớn đến công tác tuyển sinh của các ngành, trường sư phạm là Nghị định số 116/ 2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Điểm nhấn của Nghị định này là đào tạo theo cơ chế đặt hàng của địa phương về nhu cầu sử dụng giáo viên, gắn trách nhiệm của các địa phương trong đào tạo và bố trí, sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, vẫn còn đôi điều trăn trở.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Lê Trung Kiên, vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026, trong đó bổ sung 65.980 giáo viên cho các địa phương. Đây là cơ hội cho nhiều sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp ở các năm trước được tuyển dụng vào biên chế. Song, để khuyến khích, giữ chân giáo viên giỏi, cần có những chính sách căn cơ của Nhà nước, trong đó quan trọng nhất là bảo đảm tiền lương của giáo viên phải được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, để việc đặt hàng hiệu quả, sát thực tế, việc rà soát, bảo đảm dữ liệu giáo viên của ngành Giáo dục từng địa phương rất quan trọng. Dữ liệu này cũng cần cập nhật các thông tin, như tỷ lệ học sinh đến trường, tỷ lệ dân di cư tự do, số giáo viên không tiếp tục theo ngành, số giáo viên về hưu... để có dự báo chính xác.

Đề cập đến nội dung này, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Phạm Tuấn Anh cho biết, vừa qua, Bộ đã cung cấp một số nội dung về quy mô giáo viên cũng như những yêu cầu năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn, chính sách phát triển nhà giáo, giúp học sinh phổ thông tiếp cận thông tin về nhu cầu tuyển sinh, tuyển dụng và chế độ chính sách của sinh viên sư phạm. Bộ cũng đang xây dựng chính sách tiền lương mới, trong đó quy định tiền lương sẽ hưởng theo vị trí việc làm. Đồng thời, chỉ đạo các trường sư phạm tăng cường liên kết với các sở giáo dục và đào tạo để đặt hàng đào tạo cho sát thực tế, bảo đảm sinh viên ra trường có việc làm ngay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tuyển sinh đại học năm 2022: Tín hiệu tích cực từ ngành sư phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.