(HNMO) - Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thông báo tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý năm 2023 theo chương trình phi lợi nhuận, giúp cho những người tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng có nguyện vọng được sang làm việc tại Nhật Bản.
Đây là khóa thứ 12 của chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản phi lợi nhuận.
Để có thể tham gia chương trình, ứng viên hộ lý cần có bằng tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (4 năm), không quá 35 tuổi…
Đối với ứng viên điều dưỡng, ngoài những tiêu chí nêu trên, cần phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng (bao gồm cả thời gian tập sự 9 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh).
Ứng viên nộp hồ sơ tại Cục Quản lý lao động ngoài nước, số 41B, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội từ ngày 1-4-2023 đến ngày 31-10-2023 (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ). Thời gian và địa điểm thi tuyển sẽ được thông báo trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn) và qua đường bưu điện đối với các ứng viên có hồ sơ hợp lệ.
Người được tuyển chọn sẽ tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật miễn phí 12 tháng tại cơ sở đào tạo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản tổ chức.
Trong thời gian đào tạo, học viên sẽ được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí. Kết thúc khóa học, ứng viên sẽ tham gia kỳ thi chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3.
Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản sẽ giới thiệu những người đạt được cấp độ N3 kỳ thi năng lực tiếng Nhật cho các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng ứng viên điều dưỡng và hộ lý để lựa chọn.
Công việc của ứng viên điều dưỡng (được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định) bao gồm: Chăm sóc sinh hoạt thường ngày của người bệnh, chăm sóc theo tình trạng bệnh, cho bệnh nhân ăn, vận chuyển bệnh nhân, vận chuyển các mẫu, kết quả xét nghiệm…
Còn hộ lý (tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa 3 năm hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa 4 năm, tuổi không quá 35 tuổi…) sẽ làm công việc giao tiếp, tạo dựng quan hệ, tư vấn cho người già, người bệnh cần được chăm sóc; hỗ trợ sinh hoạt thường ngày tùy theo tình trạng tinh thần và sức khỏe của người già, người bệnh... Đồng thời, hỗ trợ duy trì và mở rộng quan hệ xã hội (hỗ trợ hoạt động vui chơi giải trí, phục hồi chức năng...); ghi chép nội dung hỗ trợ và thông báo cho nhân viên khác biết…
Mức lương của ứng viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản sẽ theo quy định của pháp luật Nhật Bản, thông thường từ 160.000-190.000 yên/tháng (tương đương từ hơn 28 triệu đồng đến hơn 33 triệu đồng mỗi tháng), chưa kể các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.
Trước đó, triển khai Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), từ năm 2012 đến nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với phía Nhật Bản tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật cho 11 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý với tổng số 2.147 người. Đến nay đã có 1.696 điều dưỡng, hộ lý được sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.