Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 24 - 26/8/2017.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Myanmar Htin Kyaw chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận về hợp tác Giáo dục và công nhận bằng cấp giữa hai nước Việt Nam-Myanmar. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Nhân chuyến thăm, hai bên đã ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Liên bang Myanmar. TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:
1. Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 24 đến 26 tháng 8 năm 2017.
2. Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã được Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar tiếp đón nồng nhiệt, thể hiện tình hữu nghị và mối quan hệ thân thiết giữa hai nước và hai dân tộc. Trong thời gian ở thăm Myanmar, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm và dự quốc yến do Tổng thống chủ trì. Tổng Bí thư cũng có cuộc gặp thân mật với bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar và hội kiến Chủ tịch Quốc hội Mahn Win Khaing Thann, Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar; gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.
3. Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, các nhà lãnh đạo của hai bên nhất trí cho rằng chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước, kết quả của chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng quan hệ Việt Nam – Myanmar lên tầm cao mới.
4. Các nhà lãnh đạo hai nước bày tỏ hài lòng trước sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong những năm gần đây. Hai bên khẳng định tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân.
5. Trên cơ sở mối quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp giữa hai nước, cũng như những bước phát triển mới ở khu vực và thế giới, hai nhà lãnh đạo nhất trí thiết lập quan hệ “Đối tác Hợp tác Toàn diện” giữa hai nước Việt Nam và Myanmar. Quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện sẽ phát huy và tăng cường các cơ chế hợp tác song phương hiện có, hiện thực hóa các thỏa thuận đã ký kết và tìm kiếm những cơ hội mới cho hợp tác hai bên phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi, cũng như tôn trọng luật pháp, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi bên.
6. Mối quan hệ này sẽ làm sâu sắc hơn 5 lĩnh vực hợp tác trụ cột giữa hai nước: i) Quan hệ chính trị; (ii) Hợp tác quốc phòng và an ninh; (iii) Hợp tác kinh tế; (iv) Hợp tác văn hóa, xã hội, giao lưu nhân dân và các lĩnh vực khác cùng quan tâm; (v) Hợp tác khu vực và quốc tế. Để triển khai mối quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện, các nhà lãnh đạo hai nước nhất trí giao Bộ Ngoại giao hai nước phối hợp với các bộ, ngành hữu quan đề xuất các sáng kiến hợp tác khả thi trong các lĩnh vực trụ cột nói trên và thực hiện kiểm điểm định kỳ thông qua các cơ chế hợp tác song phương.
7. Trên cơ sở quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện đã được xác lập, hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ chính trị giữa hai nước thông qua việc trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc các cấp, nhất trí rằng việc thành lập Hội Hữu nghị Myanmar – Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân, thông qua việc phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam – Myanmar, và thúc đẩy quan hệ giữa thành phố Hồ Chí Minh và Yangon, thông qua các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước.
8. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai chính phủ; nỗ lực nâng cao hiệu quả hợp tác song phương trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật. Theo đó, hai bên nhất trí phối hợp phát huy các cơ chế hợp tác hiện có, trong đó có Ủy ban Hỗn hợp Thương mại và Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương. Hai bên tái khẳng định việc thực hiện tốt các Hiệp định, Thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai Chính phủ. Để tăng cường kết nối hai nền kinh tế, hai bên cam kết dành ưu tiên cho các lĩnh vực hợp tác về hạ tầng giao thông, du lịch, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực: nông-lâm nghiệp, viễn thông và ngân hàng. Hai bên nhất trí sẽ tiến hành các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp của hai nước đầu tư vào thị trường của nhau. Hai bên nhất trí tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và thuận lợi hóa thương mại, đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1 tỷ USD vào thời gian sớm nhất.
9. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng tại Myanmar như năng lượng, viễn thông, hạ tầng cơ sở.
10. Tổng thống Htin Kyaw ghi nhận các dự án đầu tư của Việt Nam ở Myanmar có đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của Myanmar; tái khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo các lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.
11. Hai bên hoan nghênh việc mở chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Yangon để thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai nước. Phía Myanmar ghi nhận đề nghị cho phép BIDV được phép giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp và khách hàng cá nhân tại Myanmar.
12. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) và viễn thông. Phía Myanmar nhất trí cho phép Mytel hợp tác cùng xây dựng và sử dụng hạ tầng cáp quang và hạ tầng cơ sở khác trên toàn lãnh thổ Myanmar phù hợp với pháp luật, quy định hiện hành và các điều khoản của giấy phép.
13. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm về các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực cùng quan tâm và khẳng định cam kết tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng giữa hai nước, thông qua việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, phát huy các cơ chế hợp tác hiện có và xem xét thiết lập cơ chế Đối thoại Chính sách Quốc phòng và cơ chế Nhóm làm việc chung giữa hai Bộ Quốc phòng.
14. Hai bên cũng ghi nhận việc hai nước đã triển khai hiệu quả cơ chế Đối thoại an ninh song phương, nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác về an ninh, trong đó phối hợp xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực phòng, chống tội phạm, tư pháp hình sự giữa hai nước.
15. Hai bên bày tỏ hài lòng về sự phối hợp và hợp tác tốt giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, như tại ASEAN, Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao Myanmar sẵn sàng ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
16. Hai bên hoan nghênh việc tiếp tục hợp tác về quản lý và sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn nước sông Mekong, điều này có ý nghĩa nhiều mặt đối với các nước lưu vực sông Mekong, trong đó có Việt Nam và Myanmar, cũng như đối với tiến trình liên kết, xây dựng cộng đồng, duy trì ổn định và phát triển của ASEAN. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận sự đóng góp tích cực của Myanmar với vai trò là đối tác đối thoại của Ủy hội Sông Mekong (MRC) đối với việc bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong và phía Myanmar ghi nhận việc Việt Nam đề nghị xem xét sớm gia nhập MRC.
17. Hai bên tái khẳng định cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, cũng như việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở khung COC đã nhất trí.
18. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn Tổng thống Htin Kyaw, Chính phủ và nhân dân Myanmar về sự đón tiếp trọng thị, nhiệt tình và hữu nghị dành cho Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng thống Htin Kyaw thăm lại Việt Nam và mời Cố vấn Nhà nước bà Aung San Suu Kyi sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp. Các nhà lãnh đạo Myanmar bày tỏ cảm ơn sâu sắc về lời mời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.