(HNM) -
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Anh Văn: nhân văn, nhân ái, nhân tình trong sự suy tôn, ngưỡng mộ và yêu mến của bộ đội Cụ Hồ, từ các vị tướng lĩnh đến binh nhì, hiếm có một danh tướng nào trên thế giới có được tài sản tinh thần vô giá ấy. Câu châm ngôn mà Đại tướng tâm đắc nhất cũng là một kỷ niệm mà ông nhớ suốt đời: Chú Văn này, làm cách mạng dĩ công vi thượng. Bác Hồ - Người thầy lớn đã sáng suốt giao cho ông phụ trách công tác quân sự của Đảng ta đã nói như vậy trong một đêm chỉ có hai thầy trò ở hang Pắc Bó, trước khi diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa của Cách mạng Tháng Tám.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi và chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn. Ảnh tư liệu |
Ông Trần Văn Thìn, một người được Đại tướng giữ bên cạnh làm cần vụ suốt 21 năm kể về mối quan hệ thân thiết giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: "Nếu nói trong hàng ngũ tướng lĩnh thì anh Thanh và anh Văn hiểu nhau nhiều hơn cả. Anh Văn từng kể: "Khi anh cầm quân đi chiến dịch Điện Biên Phủ, hai người chỉ gặp nhau, bàn với nhau khoảng hơn một tiếng đồng hồ, sang báo cáo với Bác rồi đi. Trong kháng chiến chống Mỹ, hai người vẫn thường bàn bạc công việc với nhau. Thời gian anh Thanh vào miền Nam, mỗi khi anh ra báo cáo với Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng xong, anh thường ra làm việc riêng với anh Văn. Những lần làm việc như thế đều diễn ra khá nhanh chóng, vì họ rất hiểu ý nhau. Vì thế, khi anh Thanh mất đột ngột, anh Văn rất đau lòng. Sau này, khi cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, anh Văn chia sẻ với cấp dưới rằng: Mọi việc diễn ra như anh và anh Thanh đã trù liệu từ trước, kể cả khi có người khác làm thay việc của anh Thanh".
Tình bạn chiến đấu giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Trần Văn Trà vô cùng thân thiết và gắn bó. Khi biết tin tướng Trà từ trần (1996), Đại tướng đã viết những dòng xúc động: "Anh Trà ơi, sao anh ra đi đột ngột thế? Đối với các bạn chiến đấu, đối với bản thân tôi và gia đình, anh ra đi là một sự mất mát lớn không gì bù đắp được. Tôi nhớ mãi cùng chiến đấu trong bối cảnh gian khổ và hào hùng cho đến những ngày thắng lợi. Anh để lại một tấm gương sáng cho các thế hệ. Hình ảnh của anh sống mãi trong những người bạn chí thiết của anh...".
Trong hồi ký của mình, Thượng tướng Trần Văn Trà viết về Đại tướng: "Có trận thắng vang dội, nhưng mất nhiều lính quá, người ta vỗ tay rầm trời, còn Đại tướng thì lặng lẽ khóc ở Sở chỉ huy. Nhiều khi úp mặt xuống phên tre mà khóc. Nước mắt đầm đìa cả cái gối mây. Những điều ấy thì không phải ai cũng biết". Dịp 30 tháng 4 năm 1988, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm thành phố mang tên Bác nhân kỷ niệm lần thứ 13 ngày Giải phóng miền Nam. Nhà giáo lão thành Phan Thúy (Trung đoàn Bắc Bắc) chúc mừng Đại tướng bằng bài thơ tứ tuyệt: "Trọn đời đã chiến đấu hy sinh/Yêu nước hơn yêu cả chính mình/Đức độ, anh minh, tình sáng đẹp/Hoàng hôn cũng tựa buổi bình minh".
GS - NGND, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên - một trong những "vị tướng tài nhất của Việt Nam" - đã ca ngợi người Anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam: "Anh Văn là tấm gương sáng về đạo đức và về sinh hoạt của một người đứng đầu toàn quân và của một nhà văn hóa... là con người có bản lĩnh lớn. Bản lĩnh lớn, bởi vì anh đã bình tĩnh và bình thản vượt qua những năm tháng sóng to gió lớn của cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng và của chính cuộc đời mình". Đại tướng thật xứng đáng là: "Võ công truyền quốc sử/Văn đức quán nhân tâm". Thượng tướng khẳng định: "Tôi biết rõ Tổng Tư lệnh đã nhiều đêm thao thức, nước mắt ướt đầm, vì được tin một chiến dịch nào đó máu chiến sĩ đổ quá nhiều, mà chiến thắng thì chưa tương xứng. Đấy là trái tim anh Văn! Đấy là cách đánh và cách tiến công nhân văn chủ nghĩa của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp!".
Đại tướng Lê Trọng Tấn là vị tướng "biết dùng quân, luyện quân, nuôi quân, chỉ huy quân" - một trong những "vị tướng tài ba nhất" của quân đội nhân dân Việt Nam - được Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem là "người chỉ huy kiên cường, lỗi lạc, người bạn chiến đấu chí thiết". Ông từng là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 đã đánh thẳng vào trung tâm Sở chỉ huy Mường Thanh, bắt sống tướng De Catries và mùa xuân 1975, ông lại là Tư lệnh cánh quân phía Đông đánh thẳng vào dinh Độc Lập, khiến Chính phủ Dương Văn Minh đầu hàng. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tướng Lê Trọng Tấn là cuộc họp các tướng lĩnh với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tiến công Đà Nẵng với phương châm của Đại tướng "khẩn trương, táo bạo, bất ngờ", "đánh địch theo tình huống chúng rút trong ba ngày". Khi tướng Lê Trọng Tấn trình bày "đánh như vậy không thể chuẩn bị kịp", Đại tướng nói có phần gay gắt: "Tư lệnh mặt trận là anh, nên tôi để anh ra lệnh. Nếu là người khác, thì tôi ra lệnh. Đánh Đà Nẵng theo phương án chuẩn bị ba ngày. Nếu chuẩn bị năm ngày, địch rút mất thì sao?". Đây là lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần duy nhất, ông tỏ vẻ không hài lòng với tướng Lê Trọng Tấn, người luôn được ông quý mến. Sau này, nhớ lại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói vui: "Đáng lẽ tôi cho cậu 5 điểm, nhưng chỉ cho 3 điểm thôi, vì đánh Đà Nẵng mất có 3 ngày!".
Trong một bài viết đăng trên Báo Nhân Dân (năm 2001), cố Thượng tướng Phùng Thế Tài, nguyên Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân đã dành những dòng xúc cảm về Bác Hồ và người Anh Cả trong ngày lễ phong quân hàm cho vị Đại tướng đầu tiên của quân đội vào chiều 28 tháng 5 năm 1948: "Trong không khí trang nghiêm, Bác bước ra trước bàn thờ Tổ quốc, tay cầm bản Sắc lệnh, gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp ra đứng bên cạnh. Mọi người chờ Bác cất tiếng, nhưng sao chẳng thấy Bác nói gì mà thấy bác cầm mùi xoa lau nước mắt. Ai nấy đều vô cùng xúc động. Bên ngoài tiếng suối vẫn réo ầm ầm như tiếng vọng từ ngàn xưa dội về. Những giây phút im lặng thiêng liêng... Mãi sau, Bác mới cất tiếng nói trầm trầm: "Các cụ ta qua bao thế hệ chiến đấu cho độc lập mà không thành, nhắm mắt mà chưa thấy được dân tộc tự do. Chúng ta may mắn hơn nhưng còn phải bao nhiêu hy sinh cố gắng. Hôm nay, việc phong tướng cho chú Giáp là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí, chúng ta phải quyết giành được độc lập, tự do để thỏa lòng những người đã mất". Sau này (năm 1989), trong lần thăm Định Hóa, Thái Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Hôm ấy Bác khóc. Tôi thương Bác quá. Bác khóc là mệnh lệnh luôn luôn nhắc tôi phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ vì Đảng, vì dân, vì nước để không phụ lại sự hy sinh xương máu của lớp lớp bộ đội, lớp lớp đồng chí, đồng bào".
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - người thông thuộc các ngõ ngách, các điểm lửa; các chốt nóng như các đường chỉ của bàn tay mình - đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thị sát đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại (1973); cảm nhận về đức độ, tác phong của Đại tướng đã viết: "Đại tướng thăm cụm trọng điểm ATP trên đường Quyết Thắng... Những giọt nước mắt dành cho các chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại nơi trọng điểm này của vị Tổng Tư lệnh giữa chiều Trường Sơn thật thấm đậm tình người, lắng sâu trong tâm khảm chúng tôi, không thể nào quên". Trong chuyến đi này, ông còn dành cho nữ công binh của Trung đội "thép" (do chính ông đặt tên) ở tọa độ lửa (đèo Phu La Nhích) một món quà đặc biệt: "Mở hộp quà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những nữ công binh của Trung đội "thép" ôm nhau khóc. Một thùng chứa đầy những bánh xà phòng, túi bồ kết, súc vải màn - những thứ tối cần thiết với phụ nữ trên chiến trường. Vậy mà Đại tướng của họ, bận trăm công nghìn việc vẫn biết, vẫn nhớ và quan tâm đến họ với thứ tình cảm của người mẹ dành cho con". Ba mươi năm sau (năm 2003), ông vẫn nhớ và vẫn quan tâm đến những nữ công binh "thép" (đang được đề nghị phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang) năm xưa.
Đại tá - Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi muốn được đọc một cuốn hồi ký của Đại tướng viết về chính mình, ông đã từ chối: "Đời mình có gì đâu mà viết. So với Bác, với đồng bào, chiến sĩ, mình chỉ là một giọt nước rất nhỏ giữa đại dương mênh mông...". Trần Đăng Khoa viết về khu rừng Mường Phăng nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Trần Đình năm nào: "Rừng núi nhiều nơi đã trơ trụi, nhưng Mường Phăng thì vẫn um tùm rậm rạp như rừng nguyên sinh... Ở đây, người dân còn đói cơm, thiếu mặc, nhưng họ vẫn nâng niu gìn giữ khu rừng. Họ tự đặt tên cho khu rừng là Rừng Đại tướng. Đấy là ngôi đền thiêng, ngôi đền xanh thiên nhiên mà người dân đã tự lập để thờ ông. Đối với vị tướng trận, đó là hạnh phúc lớn. Một hạnh phúc mà không phải ai cũng có được".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.