(HNMO) - Hơn ba năm thực hiện Nghị quyết 15, của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Đông từ Thành phố tỉnh lỵ trở thành quận nội thành của Hà Nội. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhất là khi có thêm nhiều khu đô thị mới, dân số tăng đột biến, khiến công tác quy hoạch phát triển hệ thống GD&ĐT của quận nhiều khi "hụt hơi”.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, BCH Đảng bộ quận Hà Đông đã xây dựng, triển khai Đề án số 01: "Nâng cao chất lượng GD&ĐT quận Hà Đông giai đoạn 2011-2015" với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể.
Từ mũi đột phá: chất lượng nguồn nhân lực…
Những con số: 23 trường Tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia; 96% cán bộ quản lý có trình độ đại học; 99,6% giáo viên (GV) đạt chuẩn, trong đó 68,6% trên chuẩn; 85-90% học sinh (HS) tốt nghiệp THCS trúng tuyển vào lớp 10 THPT… sau hơn ba năm hợp nhất của ngành Giáo dục Hà Đông cho thấy "câu chuyện" về chất lượng giáo dục (GD) đã trở thành mối quan tâm chung của cấp ủy, chính quyền đến tất cả mọi người dân địa phương.
Học sinh Trường Tiểu học Văn Yên (Hà Đông) trong giờ học vi tính. |
Từ góc nhìn cũng như những nhận định của các nhà quản lý đã khẳng định rõ: chất lượng GD có được nâng cao hay không đều bắt đầu từ đội ngũ quản lý GD của mỗi nhà trường, trong đó vai trò của hiệu trưởng được xem là yếu tố quan trọng. Vì vậy, trong thời gian gần đây, Phòng GD-ĐT quận đã xây dựng, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó hướng đến nâng cao chất lượng GV cả ba phương diện: chất lượng chuyên môn; phẩm chất đạo đức; chất lượng cuộc sống của GV. Nói và xây dựng mục tiêu thì dễ, nhưng để thực hiện đồng bộ cả ba phương diện đó trong thực tế hiện nay không phải là chuyện có thể làm ngay một sớm một chiều. Thực tế, ở một số địa bàn còn gặp khó khăn về kinh tế, và cả một số đơn vị thuộc huyện Hoài Đức, Thanh Oai mới hợp nhất về Hà Đông người dân quanh năm mải buôn bán, ít có thời gian quan tâm đến việc học hành của con em mình, họ luôn "có sẵn" tâm lý ỷ lại, phó mặc chuyện học của con em mình cho các nhà trường. Và nếu những người làm công tác quản lý ngại "va" với kiểu tâm lý ỷ lại đó thì chưa biết đến bao giờ chất lượng GD mới được nâng cao, cho dù đội ngũ GV đã được chuẩn hóa về mặt chuyên môn.
Đã hơn hai năm kể từ khi triển khai Đề án 01 của BCH Đảng bộ quận, chất lượng GD Hà Đông đã có nhiều tín hiệu khả quan đến từ khâu nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, trình độ chuyên môn của GV. Lãnh đạo quận và Phòng GD cho rằng việc áp dụng giải pháp "cứng" đánh giá cán bộ, GV thông qua chất lượng, kết quả học tập của HS đã thực sự đem lại hiệu quả. Tại cuộc họp kiểm tra thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy mới đây, khi đánh giá về công tác nâng cao nguồn nhân lực, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Thị Liên cho biết: đối với cán bộ quản lý nếu hai năm liên tục nhà trường không có chuyển biến về chất lượng, không đạt các chỉ tiêu thi đua đã đề ra, nội bộ mất đoàn kết thì sẽ làm rõ trách nhiệm của hiệu trưởng, hiệu phó để xem xét cho thôi giữ chức vụ hoặc luân chuyển hiệu trưởng đến làm hiệu phó và hiệu phó sẽ xuống làm GV của một trường khác. Còn đối với GV, nhân viên cũng hai năm không đạt các chỉ tiêu đăng ký, không nâng được chất lượng HS lớp phụ trách sẽ điều chuyển công tác khác, không bố trí đứng lớp; nhân viên thì chuyển công tác hoặc vận động về nghỉ chế độ một lần. Đối với cán bộ quản lý cấp Phòng cũng vậy. Nếu sau hai năm nhận nhiệm vụ mà không hoàn thành sẽ luân chuyển về các trường hoặc nhận nhiệm vụ khác. Trong thực tế, đã có ba cán bộ quản lý "buộc" phải chuyển trường do không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Sau đổi mới công tác đánh giá cán bộ quản lý, ngành GD Hà Đông cũng đã tiến hành điều chuyển, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý một số trường, trong đó lựa chọn, bổ nhiệm được 6 hiệu trưởng, 3 hiệu phó; đang tiến hành làm quy trình bổ nhiệm 8 cán bộ quản lý và sẵn sàng bổ nhiệm thẳng những GV có năng lực chuyên môn, phẩm chất tốt giữ cương vị hiệu trưởng. Trưởng Phòng GD-ĐT quận - Phạm Thị Hòa cho biết, việc đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, GV, nhân viên còn có thêm kênh thông tin từ kết quả bỏ phiếu kín (có quy định chặt chẽ về đối tượng bỏ phiếu) về ba tiêu chuẩn: đạo đức, tác phong; tinh thần trách nhiệm; năng lực quản lý, chuyên môn. Đối với HS, chất lượng học tập cũng được đánh giá chặt chẽ, đúng thực chất qua các đợt khảo sát (tiểu học khảo sát 2 lần/năm, THCS là 3 lần/năm) bằng coi thi và chấm chéo giữa các trường.
Xác định chìa khóa của sự chuyển đổi, nhân tố trung tâm nâng cao chất lượng chuyên môn của người thầy chủ yếu nằm ở khâu đào tạo, ngoài việc tạo điều kiện tốt nhất để GV học tập, nâng cao nghiệp vụ, hàng năm, Phòng GD&ĐT phối hợp với Phòng Nội vụ công bố công khai địa chỉ, số lượng GV cần tiếp nhận mới ở các trường trên địa bàn để GV có nhu cầu đăng ký tham gia xét chọn; ưu tiên tiếp nhận GV giỏi, có thành tích bồi dưỡng HS giỏi, GV trẻ được đào tạo đại học chính quy, tốt nghiệp loại khá, giỏi… Và yếu tố quan trọng không kém là vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống cho GV.
Gỡ khó cho vấn đề này, Trưởng Phòng GD-ĐT quận đã trực tiếp "thị sát", thăm hỏi các hộ gia đình GV có hoàn cảnh khó khăn, trao đổi và bàn bạc trực tiếp với phụ huynh có con đi học ở những trường còn khó khăn (như trường THCS Đồng Mai, THCS Phú Lương...) cùng chăm lo đời sống cho GV. Về việc dạy thêm của GV, Phòng thẩm định, giải quyết nhanh, nhưng không bỏ qua các điều kiện để cấp phép cho GV. Đối với những GV đủ điều kiện cấp phép dạy thêm, hiệu trưởng phải lấy ý kiến của HS và phụ huynh ít nhất 2 lần/năm về nhu cầu cũng như mức độ tín nhiệm đối với GV dạy. Mức độ tín nhiệm đạt tối thiểu 80% mới tiếp tục được dạy thêm và phải chịu trách nhiệm nâng cao kết quả học tập cho đối tượng trực tiếp dạy thêm.
… đến quy hoạch phát triển đô thị giáo dục
Không phải đợi đến kỳ họp thứ tư, HĐND thành phố vừa diễn ra thảo luận chuyên sâu về vấn đề quy hoạch phát triển hệ thống GD Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì quận Hà Đông mới đốc thúc công tác quy hoạch này. Vấn đề quy hoạch phát triển hệ thống GD&ĐT của quận đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã thực sự "nóng" từ sau khi Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XIX (2010-2015) thành công với việc lựa chọn GD&ĐT là một trong những nhiệm vụ quan trọng số một. Vì thế, sau Đại hội, Đề án số 01 về nâng cao chất lượng GD&ĐT quận Hà Đông đã được hoàn thiện để triển khai xuống cơ sở.
Ở Hà Đông, chưa xảy ra hiện tượng thức cả đêm để xếp hàng xin học cho con, nhưng việc mỗi lớp học có sĩ số từ 35 đến 46, thậm chí lên tới 55 học sinh, tại một số trường không phải là chuyện hiếm. Sớm dự báo tình hình, lãnh đạo quận Hà Đông đã nhanh chóng quy hoạch mạng lưới trường lớp, sớm hội đủ điều kiện đón đầu tương lai lại vừa tiết kiệm quỹ đất "vàng" của thành phố trong vấn đề xây dựng. Ba năm qua, quận đã chỉ đạo nhiều tổ công tác đánh giá thực trạng GD của từng phường, khảo sát đồng bộ, toàn diện về hệ thống trường học trên địa bàn cũng như nghiên cứu, tính toán khoa học về quy mô dân số dự kiến của Hà Đông đến năm 2020, 2030 để giao cho các đơn vị chức năng lập quy hoạch xây dựng chi tiết hệ thống trường học.
Kết quả khảo sát cho thấy, từ, năm 2008-2011, Hà Đông đã đầu tư xây mới mở rộng được 18 trường công lập, nâng tổng số trường hiện có trên địa bàn lên 68 trường; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 97,6%, số phòng học cấp bốn còn lại là 27; 16 trường học được thành lập mới và đi vào hoạt động… Nhưng trong thực tế, số trường học trên vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa về cơ sở vật chất theo tiêu chí của Bộ GD đề ra. Dựa vào những tính toán quy hoạch chung của quận và điều tra quỹ đất, tốc độ gia tăng dân số thực tế tại 17 phường thì dự kiến đến năm 2020, quy mô dân số quận sẽ đạt 710.369. Như vậy, nếu tính quy hoạch như tờ trình "Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục đào tạo Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đệ trình tại kỳ họp HĐND thành phố vừa qua, thì quận Hà Đông cần ít nhất 149 trường mới, với tổng diện tích là 785.220,4m2.
Giải tỏa băn khoăn về đất để xây trường học, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Văn Trường cho biết đã thành lập các tổ công tác rà soát quỹ đất của từng phường, những khu đất xen kẹp, đủ diện tích sẽ được ưu tiên xây dựng trường học. Hiện tại, quận đã chỉ rõ gần 20 điểm đất vào quy hoạch xây trường trong thời gian tới và đã đưa vào quy hoạch hơn 100 điểm trường mà các phường phải ưu tiên dành đất xây dựng. Với phương châm đã xây là chuẩn, nên hầu hết quỹ đất dành cho GD của quận đều đáp ứng đủ tiêu chí trường chuẩn quốc gia, như trường tiểu học Văn La (khu đô thị Văn Phú), trường tiểu học Chu Văn An (khu đô thị La Khê); trường tiểu học, mầm non Ban Mai (khu đô thị Văn Quán)...
Khảo sát thực tế tại phường Phú Lương, được biết hướng đến năm 2020, lãnh đạo xã đã hoàn thiện quy hoạch 800.000m2 dành cho xây dựng một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, dù số phòng học kiên cố cho hai bậc học THCS, tiểu học hiện nay đã đủ đáp ứng nhu cầu trên địa bàn. Đối với các trường khu vực trung tâm quận, quỹ đất mở rộng trường khó khăn thì việc tăng diện tích sử dụng được áp dụng phương án mở, theo hướng nâng thêm tầng, bố trí học sinh học các tầng thấp, cán bộ, GV làm việc tại tầng cao như ở Trường tiểu học Văn Yên, mới được quận đầu tư 17 tỷ đồng xây dựng 30 phòng học cao tầng…
Trong thời gian tới, UBND quận sẽ tiến hành rà soát lại quỹ đất 5% dành cho phục vụ công cộng. Như vậy, nếu quy hoạch gọn, nhanh cùng với việc đầu tư xây dựng trường học theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, đạt chuẩn quốc gia thì rất có thể Hà Đông trong tương lai sẽ là quận đạt chuẩn đô thị giáo dục mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.