(HNM) - Lập nên kỳ tích với "cú ăn 6" lịch sử, Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội (Hà Nội FC) thực sự là một điểm sáng trên bản đồ thể thao Việt Nam năm 2019. Phía sau kỳ tích ấy là rất nhiều nỗ lực, hy sinh, mồ hôi và nước mắt.
1. Năm 2019, đại diện của bóng đá Thủ đô ở đấu trường bóng đá chuyên nghiệp đã làm nên “cú ăn 6” kỳ tích: Vô địch AFC Cup khu vực ASEAN, trở thành câu lạc bộ đầu tiên của bóng đá Việt Nam vào đến chung kết AFC Cup liên khu vực Đông Á - Nam Á và Đông Nam Á; đoạt Siêu cúp; đoạt Cúp vô địch của Giải Bóng đá vô địch quốc gia V-League; đoạt Cúp quốc gia; Vô địch Giải Bóng đá U21 quốc gia và Giải Bóng đá U19 quốc gia. Đặc biệt, Hà Nội FC luôn đóng góp nhiều gương mặt xuất sắc trong màu áo các đội tuyển bóng đá quốc gia. Kỳ tích ấy được làm nên bởi một lứa cầu thủ trình độ đồng đều, được đào tạo bài bản từ rất nhỏ và đang vào độ chín của phong độ. Các cầu thủ này đều trải qua một quá trình hy sinh tuổi thơ, nỗ lực rèn tập rất lớn để có được thành quả hôm nay.
Đơn cử như trường hợp của Đỗ Duy Mạnh, chàng trai tuổi Bính Tý (sinh năm 1996) quê huyện Đông Anh (Hà Nội). 4 tuổi, Mạnh đã làm quen với việc tâng bóng nhựa trước khoảnh sân nhà, 10 tuổi được bố mẹ thay phiên nhau chở trên chiếc xe máy cúp 81 cà tàng từ huyện Đông Anh sang tận Nhà thi đấu huyện Gia Lâm để theo tập bóng đá. Nhớ lại giai đoạn đầu đầy khó khăn khi cho cậu con út bé bỏng theo đuổi đam mê, bà Lê Thị Lan cho biết: "Hồi đó gia đình tôi khó khăn lắm, chồng làm thợ, vợ chạy chợ, nhưng vẫn cố sắp xếp đưa con đi tập, vì thấy cháu quyết tâm và đam mê quá. Nhà của cháu Nguyễn Quang Hải cũng gần nhà tôi, nên có lần tôi còn chở cả hai anh em đi tập, khi đi trời nắng, đến giữa đường trời mưa to, sấm sét ầm ầm. Vất vả là thế mà con lúc nào cũng bày tỏ quyết tâm, nên bố mẹ cũng phải ủng hộ"... Bà Lan cũng không giấu nổi xúc động khi kể lại khoảnh khắc năm 2018, bà bị ốm giữa lúc Mạnh đang thi đấu ở nước ngoài, nên bảo gia đình giấu không cho cậu con trai út biết.
Nào ngờ đêm khuya nhận được tin nhắn của Mạnh, dặn mẹ "cố ăn uống cho chóng khỏe để con yên tâm tập luyện, mẹ mà làm sao thì con không thi đấu được"... Ra là Mạnh xem được ảnh chụp mẹ ốm nằm giường của một người em post lên Facebook, nên vội nhắn tin hỏi thăm mẹ lúc thi đấu xong. "Mạnh còn ít tuổi, nhưng sống tình cảm, chín chắn" - bà Lan chia sẻ đầy tự hào.
Nhớ lại những tháng ngày chập chững bước vào nghề cầu thủ tại sân tập ở Gia Lâm, cả những khi ngủ trong căn phòng tập thể dưới gầm nhà thi đấu, Đỗ Duy Mạnh chỉ chia sẻ giản dị: "Thành công nào cũng đòi hỏi phải đánh đổi bằng mồ hôi, công sức. Điều tôi mong nhất là thi đấu tốt, mang lại niềm vui cho bố mẹ đã vất vả nuôi 3 anh em tôi nên người".
Trong thành công của Hà Nội FC mùa này, không thể không nhắc đến vai trò của "đầu tàu" - đội trưởng Nguyễn Văn Quyết. Bị chấn thương trong một trận đấu ở AFC Cup 2019, Văn Quyết đã có màn tái xuất đầy ấn tượng. Trong mùa giải 2019, tuy chỉ ra sân 15 trận ở V-League, song đội trưởng của Hà Nội FC đã ghi 9 bàn thắng. Tại Cúp quốc gia, Văn Quyết thi đấu 3 trận, ghi tới 4 bàn thắng. Tại AFC Cup, anh thi đấu 10 trận, ghi 7 bàn. Sự khiêm nhường, chân thành, ý chí, tinh thần, bản lĩnh của Văn Quyết luôn là điều đáng để lứa cầu thủ đàn em như Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Đỗ Hùng Dũng, Phạm Đức Huy... học hỏi.
2. Có chứng kiến hàng vạn người hâm mộ đội mưa góp mặt tại Sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) để cùng hân hoan chúc mừng thành công của bóng đá Hà Nội khi mùa giải kết thúc, mới thấy nỗ lực và thành quả của thầy trò huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm thực sự giá trị. Hơn tất cả các giải thưởng, Hà Nội FC đã có được niềm tin yêu và tự hào của đông đảo người hâm mộ Thủ đô.
Tại lễ vinh danh thành tích bóng đá Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ghi nhận những thành công của Hà Nội FC, đồng thời nhắn nhủ: “Hà Nội FC cần chú trọng xây dựng chiến lược đào tạo cầu thủ, bảo đảm hình thành lực lượng cầu thủ có sức khỏe dồi dào, ý thức kỷ luật cao, có tinh thần đoàn kết, học hỏi, góp phần đưa bóng đá Hà Nội và cả nước ngày càng phát triển. Cũng cần chú trọng tuyển chọn các cầu thủ tài năng làm lực lượng năng khiếu kế cận và có chế độ, chính sách ưu đãi xứng đáng để các cầu thủ yên tâm cống hiến cho thành công chung của bóng đá Thủ đô...”.
Chúng ta biết rằng, không ít cầu thủ Hà Nội FC hiện nay như Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Quang Hải, Phạm Đức Huy, Trần Đình Trọng... đều trưởng thành từ chính lò đào tạo của Bộ môn Bóng đá - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội. Hằng năm, các huấn luyện viên bóng đá của Hà Nội trực tiếp phát hiện, tuyển chọn, đào tạo các năng khiếu bóng đá, đến khi hình thành lứa U17 chững chạc sẽ chuyển giao cho Hà Nội FC chắp cánh tài năng, đầu tư chuyên nghiệp. Điều quan trọng giúp cho các tài năng này có điều kiện trưởng thành, phát huy năng lực, đó là các em phải được thi đấu nhiều ở các giải chính thức thuộc đấu trường khu vực và châu lục.
Rõ ràng, nếu không có tiềm lực tài chính, sự đầu tư mạnh mẽ của đơn vị chủ quản là Tập đoàn T&T và ông bầu Đỗ Quang Hiển, Hà Nội FC không thể đạt được kỳ tích như vậy. Song, để bảo đảm nguồn kế cận dồi dào, lâu dài và chất lượng cho bóng đá Thủ đô, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Hà Nội FC và Bộ môn Bóng đá - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội ngay từ khâu phát hiện, tuyển chọn và đào tạo nhân tài của các lứa U11, U13, U15, U17. Hiện tại, công tác đào tạo các lứa tuổi này vẫn chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách. Một cơ chế phối hợp đầu tư, hỗ trợ lương, thưởng cho thầy trò các đội trẻ chính là chìa khóa để Hà Nội FC có nguồn nhân lực tài năng được đào tạo chính tại Thủ đô. Những cầu thủ được đào tạo và trưởng thành từ các lò bóng đá của Hà Nội cũng sẽ là sợi dây gắn kết giữa người hâm mộ bóng đá Thủ đô với đội bóng đại diện của địa phương mình tại đấu trường chuyên nghiệp.
Trước đây, Câu lạc bộ Hà Nội T&T dù sở hữu lối đá quyến rũ, thành tích ấn tượng nhưng chỉ có một lượng người hâm mộ hạn chế. Tuy nhiên, kể từ khi đổi tên thành Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội (năm 2017) mang đậm tính địa phương và trình làng lứa cầu thủ trẻ trung, tài năng sinh ra, lớn lên ở Hà Nội và được đào tạo, trưởng thành cùng bóng đá Thủ đô, đội bóng đã dần thay thế 2 "tượng đài" Thể Công, Công an Hà Nội trong lòng người hâm mộ. Giờ đây, người ta thường xuyên chứng kiến hình ảnh hai bố con, thậm chí là nhiều cặp vợ chồng trẻ cùng cậu con trai 7-8 tuổi mặc áo Hà Nội FC ra sân Hàng Đẫy dịp cuối tuần để cổ vũ rồi khi trận đấu kết thúc nán lại xin chữ ký của Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Đỗ Hùng Dũng, Trần Đình Trọng... Nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu của người hâm mộ, đặc biệt là các fan nhí - đó mới là cách thức đầu tư bài bản và hiệu quả của bất kỳ câu lạc bộ, nền bóng đá nào, bên cạnh công tác đào tạo, huấn luyện, thi đấu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.