Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tương Cự Đà

Đào Huyền| 20/02/2011 08:23

(HNM) - Ở miền Bắc, nhắc đến nước tương, nhiều người nghĩ ngay đến tương Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Món nước tương nổi tiếng từ xưa, không tốn kém cao sang mà gần gũi trong làng ẩm thực Việt Nam. Người làng, lớn lên là tiếp nhận ngay nghề làm thứ sản vật đang giúp người dân nơi đây có cuộc sống phồn thịnh.


Làng nghề trên 500 năm tuổi


Nói về nghề làm tương Cự Đà, sử sách không ghi lại nhưng ai cũng khẳng định, chí ít nghề tương cũng có số tuổi ngang với làng Cự Đà, một làng cổ trên 500 năm tuổi. Không phải tự nhiên mà tương Cự Đà vang tiếng gần xa. Theo các cụ làm nghề, cái khác biệt, tạo thương hiệu riêng cho tương Cự Đà là vị ngọt và hương thơm của tương. Đến thăm cơ sở tương Trọng Tình, hộ sản xuất lớn nhất trong làng, gặp cụ Đinh Văn Tình, người có gần 70 năm làm nghề mới thấu hiểu sự ham mê nghề và say nghề. Cả gia đình cụ với 4 thế hệ cùng sống và làm tương trong một mái nhà, cháu bé mấy tuổi cũng biết giúp ông, cha.

Để tương Cự Đà có được vị ngọt dịu và hương thơm, cần có quy trình chế biến rất công phu. Gạo thì phải chọn nếp cái hoa vàng; đậu tương leo, hạt chín nhỏ có màu vàng nhạt. Khâu khó nhất là thổi xôi và rang đậu. Để có mẻ tương ngon, thổi xôi phải chín dẻo, hạt xôi phải còn nguyên hình gạo để có thể lên mốc dễ dàng. Đối với đậu tương, phải rang chín vàng đều và tróc vỏ. Cụ Đinh Văn Tình cho biết, tương có ngon, ngọt và thơm phụ thuộc vào khâu làm men. "Khi mốc của xôi đã lên đều, có màu vàng óng thì đem ủ với đậu tương rang và một lượng men, loại men này chỉ người làng Cự Đà mới làm được". Anh Đinh Công Thế, cháu đích tôn của cụ đã gần 20 năm làm nghề cho biết thêm, chum nước đậu cũng có vai trò rất quan trọng. Trước kia, khi chưa có nước sạch, các cụ thường sử dụng nước mưa để làm tương. Nay thì chỉ một số hộ sản xuất nhỏ làm như vậy, còn đều dùng nước giếng đã được lọc sạch. Chum nước tương phải được che kín, tránh nước mưa và tạp chất. "Một mẻ ủ tương thường dùng hết từ 400kg đến 500kg gạo nếp, 80-100kg đậu tương, nên đòi hỏi người thổi xôi, người rang đậu phải rất khéo và cẩn thận" - con dâu cụ Đinh Văn Tình tiết lộ.

Mùa làm tương Cự Đà bắt đầu khoảng từ tháng 4 đến tháng 8. Tương làm vào mùa rét không ngon bằng mùa nóng, tuy nhiên, do nhu cầu dùng nên làng làm tương quanh năm, đặc biệt là trong những dịp lễ Tết.

Nghề không bao giờ mất

Ngày nay, làng Cự Đà còn được gọi bằng cái tên rất vui là "làng tỷ phú". Gọi thế là bởi có dự án đô thị qua làng, dân được đền bù tiền đất, mỗi hộ có tiền tỷ trong nhà. Song, điều đặc biệt là công cuộc đô thị hóa không thể làm mất nghề tương truyền thống. Đó là lời khẳng định của anh Vũ Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê. Như cơ sở sản xuất nghề tương của gia đình anh Vũ Văn Thắng đã có 3 đời làm tương, tương đã trở thành "máu thịt" trong mỗi người. Anh Thắng chia sẻ, ở làng nhà nào cũng có tiền đền bù đất, nhiều đấy nhưng chẳng ai nghĩ sẽ bỏ nghề, ai cũng mong có thêm tiền để mở rộng sản xuất. Cái chum, cái vại là hình ảnh luôn hiện hữu ở mỗi gia đình Cự Đà rồi. Đến trẻ con trong nhà, anh Thắng cũng luôn dạy, học gì thì học nhưng phải giữ lấy cái nghề làm tương, có biết làm tương mới được coi là người Cự Đà.

Theo anh Vũ Văn Chung, làng Cự Đà có gần 400 hộ thì hơn 20 hộ làm tương song dường như họ vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Trung bình mỗi hộ sản xuất từ 300-600 lít/ngày, thu nhập hằng tháng cũng được trên 10 triệu đồng. Tuy tương Cự Đà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bản nhãn hiệu và lô gô nhưng sản xuất vẫn manh mún, tự phát theo hộ gia đình. Hiện xã đang tiến hành thành lập Hiệp hội làng nghề để hướng tới sản xuất bền vững, có tổ chức và hiệu quả. Đặc biệt, xã đang xây dựng nhà máy nước sạch để đáp ứng nguồn nước phục vụ bà con làm tương, khi đi vào sản xuất, nhà máy sẽ cung cấp khoảng 500m3 cho trên 500 hộ/ngày. Ngày 17-1 vừa qua, khi niềm vui lớn đến với làng nghề tương Cự Đà được vinh danh là một trong 31 sản phẩm được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích tại chương trình bình chọn do UBND TP Hà Nội và Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội tổ chức.

Đến Cự Đà hôm nay, ta sẽ thấy làng cổ bừng sức sống mới. Lòng yêu nghề, quyết giữ nghề của người dân Cự Đà bền bỉ như mạch nước ngầm, là bảo tàng sống về một nét đẹp văn hóa Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tương Cự Đà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.