Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân

Tuấn Lương| 06/11/2022 06:38

(HNM) - “Chính thức khai thác thương mại tròn 1 năm, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và cả nước, đã chứng minh được ưu thế của phương thức vận tải văn minh, hiện đại, an toàn, góp phần từng bước thay đổi thói quen đi lại và xây dựng văn hóa giao thông của người dân. “Vạn sự khởi đầu nan” song tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đạt được kết quả tốt nhất trong các kịch bản chúng tôi đưa ra”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới.

Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường.

Kết quả tốt nhất trong các kịch bản được xây dựng

- Ông đánh giá thế nào sau 1 năm đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại?

- Tuyến metro Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành, khai thác thương mại từ ngày 6-11-2021. Tuyến đã trải qua 365 ngày vận hành an toàn, vận chuyển được hơn 7,4 triệu lượt hành khách.

Chúng tôi đánh giá có một số kết quả nổi bật. Thứ nhất, tàu đi vào vận hành đã chứng minh được ưu thế của phương thức vận tải nhanh khối lượng lớn, văn minh, hiện đại và là “xương sống” trong hoạt động vận tải hành khách công cộng tại các đô thị lớn, có khả năng giải quyết căn cơ “bài toán” ùn tắc giao thông đô thị. Kết quả vận hành thu được là kết quả tốt nhất trong các kịch bản đã được UBND thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông - Vận tải thống nhất giao cho Hanoi Metro thực hiện.

Thứ hai, quá trình vận hành ổn định, an toàn đã giúp thu hút ngày càng nhiều người sử dụng dịch vụ, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Thống kê cho thấy, tuyến hiện có khoảng 10.000 hành khách sử dụng vé tháng. Bình quân mỗi ngày, tuyến phục vụ trên 32.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần phục vụ 26.000-28.000 lượt hành khách. Kỷ lục phục vụ hành khách đông nhất trong 1 năm qua được ghi nhận vào ngày Quốc khánh 2-9 vừa qua với tổng cộng 55.210 hành khách. Qua vận hành và sự trải nghiệm của hành khách, Hanoi Metro đã góp phần dần thay đổi thói quen đi lại của người dân và từng bước tạo dựng văn hóa văn hóa sử dụng phương tiện giao thông công cộng văn minh, an toàn, thân thiện.

- Thế còn đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành, khai thác thì sao, thưa ông?

- Sau 1 năm vận hành, Hanoi Metro đã có một đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp vận hành, khai thác theo hướng chuyên nghiệp, lấy sự hài lòng của hành khách làm tiêu chí phục vụ. Sau giai đoạn đầu được chuyên gia nước ngoài hướng dẫn, đến nay, toàn bộ việc vận hành và xử lý sự cố trên tuyến đều do người Việt Nam thực hiện. Điều này hết sức đáng mừng bởi đây là đội ngũ nòng cốt để chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận, vận hành đoạn Nhổn - Ga Hà Nội vào cuối năm 2022 và sẵn sàng hỗ trợ nhân sự cho tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên của thành phố Hồ Chí Minh khi dự án này đi vào khai thác.

Lan tỏa văn hóa metro

- Giai đoạn đầu khai thác, đã có không ít lo âu về hiệu quả, chất lượng dịch vụ từ phía người dân, thậm chí của cả những người trong ngành Giao thông - Vận tải, Hanoi Metro “ứng xử” vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Trong 3 tháng đầu vận hành, ngày nào tôi cũng đi tàu, chỉ đứng chứ không ngồi (một đoàn tàu có 4 toa với sức chở 960 hành khách, trong đó chỉ có 144 ghế ngồi, còn 85% là chỗ đứng) để hỏi han, ghi nhận ý kiến khách đi tàu, nhằm điều chỉnh hoạt động, chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn.  

Trong 6 tháng đầu, rất ít khi tôi có được một giấc ngủ yên. Tôi sợ nhất những cuộc điện thoại vào lúc nửa đêm, đầu giờ sáng bởi tôi yêu cầu mọi vấn đề khúc mắc phát sinh đều phải báo cáo Tổng Giám đốc. Những sự cố dù rất nhỏ đều phải xử lý ngay. Tôi và hầu hết cán bộ, công nhân viên không dám ra khỏi Hà Nội trừ khi có việc cấp bách.

- Trong giai đoạn đầu mới khai thác, có nhiều hình ảnh chưa đẹp xảy ra trên tàu, dưới ga. Xin ông cho biết, việc này được giải quyết như thế nào?

- Đó là những người mặc quần đùi, áo may ô lên tàu; thanh niên không nhường ghế cho người già, trẻ em và phụ nữ; uống nước, ăn bánh rồi vứt rác ngay trên sàn tàu... Đến nay, cùng với tuyên truyền, nhắc nhở của nhân viên metro thì chính hành khách đi tàu cũng đã trở thành những “tuyên truyền viên” hướng dẫn, nhắc nhở những hành khách khác khi có những hành động chưa đẹp. Giờ metro hầu như không còn những hành khách thiếu ý thức. Văn hóa tham gia giao thông bằng metro của người dân đang dần hình thành.

Không chỉ có những hình ảnh chưa đẹp mà metro còn có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. Đó là cặp vợ chồng già từ Bắc Ninh đi xe máy đến Hà Nội, lúc lên tàu ôm khư khư cặp mũ bảo hiểm với mong muốn “được một lần trải nghiệm metro sau này có chết cũng yên lòng”. Có khách đi tàu là phụ nữ đang mang bầu do không kịp ăn sáng nên bị ngất. Nhân viên metro đã nhường suất ăn và mua sữa cho khách uống.

Thậm chí có cả khách còn dắt theo cả thú cưng (chó, mèo…) lên tàu để trải nghiệm. Với những trường hợp này, nhân viên phải nhường phòng làm việc để trông thú cưng, sau đó chờ hành khách quay trở lại đưa thú cưng về nhà.

- Đâu là nguyên nhân dẫn tới thành công của tuyến metro, thưa ông?

- Tôi cho rằng, thành công có được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội, sự chia sẻ, ủng hộ của người dân và đội ngũ cán bộ, công nhân viên Hanoi Metro dù khó khăn vẫn cố gắng vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Để tuyến metro đi vào vận hành phát huy hiệu quả, chúng tôi luôn lắng nghe, tôn trọng và cố gắng nắm bắt đặc tính nhu cầu đi lại, từ đó đưa ra biểu đồ vận hành hợp lý để bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân và tiết kiệm ngân sách của thành phố.

Về phía UBND thành phố Hà Nội, sau khi tiếp nhận dự án đã làm tốt nhất có thể để người dân dễ dàng tiếp cận các nhà ga cả về thời gian, không gian. Không chỉ hành khách bình thường mà kể cả những người khuyết tật, người yếu thế đều có thể tiếp cận nhà ga bằng thang bộ, thang máy. Cùng với hợp lý hóa luồng tuyến xe buýt, vừa qua thành phố đã đưa 5 tuyến xe buýt nhỏ buýt sức chứa dưới 20 hành khách có tính linh hoạt cao đi vào ngõ nhỏ phố nhỏ để tiếp chuyển người dân giữa các tuyến buýt với nhau và các ga đường sắt đô thị.

Hà Nội đã đưa ra quan điểm nhất quán và chính sách ổn định trong phát triển vận tải hành khách công cộng theo nguyên tắc “cung cấp dẫn đầu”, tức là đẩy cung đi trước một bước để người dân tự chuyển xe cá nhân sang phương tiện công cộng. Cùng với đó là chính sách giá vé rẻ và linh hoạt. Khác với xe buýt sử dụng giá vé đồng hạng, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông áp dụng phương thức đi dài trả tiền nhiều, đi ngắn trả tiền ít. Với vé tháng xe buýt cứ đến ngày cuối cùng của tháng là hết hiệu lực bất kể mua ngày nào trong tháng thì metro tính từ ngày mua và hết hiệu lực sử dụng sau 30 ngày. Metro cũng áp dụng hình thức vé ngày (30.000 đồng/vé, khách đi trong ngày không tính số lượt) để khuyến khích hành khách sử dụng dịch vụ…

Chính sự cầu thị, nỗ lực, không ngại khó, ngại khổ và những kết quả tích cực ngày hôm nay mà Hanoi Metro đã chiếm được lòng tin của chính quyền và người dân, tạo động lực để thành phố quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị khác nhằm sớm hình thành mạng lưới vận tải hành khách công cộng đồng bộ, văn minh, hiện đại.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.