Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từng bước làm chủ thiết bị 5G

Việt Nga| 08/02/2020 07:38

(HNM) - Việc nhà mạng Viettel thực hiện thành công cuộc gọi đầu tiên trên thiết bị 5G tự nghiên cứu, sản xuất trong tháng 1-2020 cho thấy nhà mạng trong nước có thể từng bước làm chủ thiết bị mạng viễn thông. Đây là bước đi quan trọng tạo nền tảng cho việc tiếp tục phát triển lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh thông tin...

Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên được thử nghiệm dịch vụ 5G. Ảnh: Thanh Hà

Theo ông Lê Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Vô tuyến băng rộng thuộc Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội - Viettel), với kinh nghiệm tự nghiên cứu sản xuất thiết bị trạm thu phát sóng 4G - cNodeB và quá trình nghiên cứu tiền khả thi về 5G trước đó, đội ngũ kỹ sư của Viettel đã phát triển hệ thống thiết bị gNodeB 5G trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12-2019).

Đến thời điểm này, Viettel đã sản xuất thành công trạm thu phát sóng 5G, phát triển thành công phần mềm cho thiết bị 5G. Thiết bị gNodeB 5G này đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật mà Hiệp hội Viễn thông quốc tế 3GPP đã chuẩn hóa và công bố. Viettel đã trở thành công ty thứ 6, sau 5 công ty sản xuất thành công thiết bị mạng cho 5G gồm Ericsson (Thụy Điển), Nokia (Phần Lan), Huawei (Trung Quốc), Samsung (Hàn Quốc), ZTE (Trung Quốc).

Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đã định hướng phát triển sản phẩm công nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông. Ông Trần Hữu Quyền, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ công nghiệp VNPT (VNPT Technology) cho biết, VNPT đã xây dựng bộ giải pháp và sản phẩm 5G, trong đó thực hiện các công việc nghiên cứu phát triển sản phẩm theo lộ trình và thực hiện tích hợp giải pháp thiết bị của bên thứ ba để tạo thành bộ giải pháp hoàn chỉnh. VNPT cũng đã triển khai phòng thử nghiệm 5G, hợp tác với Qualcomm (Công ty bán dẫn toàn cầu của Mỹ) về phát triển 5G.

Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết thêm, Viettel đặt mục tiêu đến tháng 6-2020 sẽ thương mại hóa trạm phát sóng 5G Microcell, tháng 6-2021 phát triển trạm phát sóng 5G Microcell trên toàn mạng lưới. Cùng với đó, Viettel sẽ xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên “Hệ sinh thái công nghệ 5G” phát triển và sản xuất tại Việt Nam; trước mắt sẽ ứng dụng cho các công nghệ như ô tô tự lái, bao phủ các khu nghiên cứu, nhà máy thông minh sử dụng robot, các khu nghỉ dưỡng, nhà ở thông minh. 

Đánh giá về việc Viettel từng bước làm chủ thiết bị mạng 5G, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Với việc Viettel tự nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G, Việt Nam đã làm chủ được khoảng 75% mạng lưới viễn thông. Mục tiêu đến 2020, muộn nhất 2021, tất cả thiết bị viễn thông phải “Make in Vietnam” (nghĩa là do người Việt Nam thiết kế, sáng tạo, làm chủ và sản xuất tại Việt Nam). Điều này có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đang chuyển đổi sang quốc gia số, hạ tầng viễn thông là hạ tầng chủ yếu và quan trọng nhất. Việc tự làm chủ thiết bị viễn thông cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh, an toàn mạng quốc gia”.

Quá trình thương mại hóa thiết bị 5G “Make in Vietnam” (gồm cả thị trường trong nước và quốc tế) là chặng đường dài phía trước, do vậy Viettel tập trung giới thiệu thiết bị 5G tự nghiên cứu, sản xuất ra thế giới. 

Về giải pháp hỗ trợ sản xuất thiết bị trong nước, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho biết, cá nhân sẽ cùng với bộ trưởng các bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông cùng bàn thảo, xây dựng chính sách để kiến nghị cấp có thẩm quyền tạo thị trường cho phát triển sản phẩm 5G Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từng bước làm chủ thiết bị 5G

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.