(HNM) - Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1993, trải qua 24 năm, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Với việc mở rộng độ bao phủ từ công tác dự phòng tới việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, về cơ bản Hà Nội đã khống chế được tỷ lệ người nhiễm HIV và đang hướng tới mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh, 90% được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV và 90% kiểm soát số lượng vi rút ở mức thấp) vào năm 2020.
Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng chống HIV/AIDS là rất cần thiết. |
Phát hiện càng sớm, điều trị càng hiệu quả
Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - cơ sở điều trị HIV hàng đầu của Thủ đô hiện đang quản lý hơn 1.000 người nhiễm HIV, trong đó, 80% là bệnh nhân sống trên địa bàn Hà Nội và 20% ở các tỉnh, thành phố lân cận. Bác sĩ Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ, “có H” không phải là dấu chấm hết. Trên thực tế, nhiều người còn hiểu mơ hồ về căn bệnh này và cho rằng, nhiễm HIV thì không có cách nào khỏi bệnh, do vậy không cần phải xét nghiệm HIV “vì có biết cũng không giải quyết được gì”. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người bị nhiễm HIV nếu được điều trị thuốc kháng vi rút ARV kịp thời và tuân thủ điều trị thì có thể sống khỏe mạnh như người bình thường.
Phát hiện bị nhiễm HIV từ năm 2004, anh Nguyễn Văn V. (sinh năm 1977 ở Hà Nội) luôn sống trong mặc cảm, không ít lần muốn tìm đến cái chết. Thế nhưng, nghe theo lời khuyên của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, tuân thủ việc điều trị, anh V. đã lạc quan hơn, sức khỏe tiến triển tốt. Cách đây hơn bốn năm, anh V. đã gặp và yêu một cô gái quê ngoan hiền. Thẳng thắn chia sẻ về bệnh tình và được người yêu chấp nhận, hai người đã kết hôn. Khao khát được nghe tiếng bi bô của con trẻ, hai vợ chồng đã quyết định đến gặp bác sĩ. Dù không nhiễm HIV nhưng vợ anh V. vẫn được chỉ định dùng thuốc kháng vi rút ARV một thời gian trước khi mang thai. Thế rồi, năm 2014, vợ chồng anh đón một bé trai kháu khỉnh nặng hơn 3kg. May mắn là các kết quả xét nghiệm sau đó đều cho thấy, cháu bé hoàn toàn bình thường, “không có H”…
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tính đến ngày 30-9-2017, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 20.000 người nhiễm HIV còn sống, gần 4.700 người tử vong do AIDS. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS tại Hà Nội là 266 trường hợp/100.000 dân. Toàn thành phố đã có 554/584 xã, phường, thị trấn phát hiện người “có H”, chủ yếu ở độ tuổi từ 25 đến 49 (79,5%). Bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, những người “có H” có thể trở thành nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng nếu không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng, đặc biệt là dịch vụ điều trị ARV sớm để có thể bảo vệ sức khỏe cho mình và giảm nguy cơ lây truyền HIV.
Trước thực tế nói trên, ngoài việc tăng cường truyền thông nâng cao hiểu biết cho người dân, TP Hà Nội cũng mở rộng diện sàng lọc HIV tại các xã, phường và kết hợp với các tổ chức phi chính phủ thực hiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Ngoài ra, các bệnh viện, trung tâm y tế đã thực hiện xét nghiệm HIV khi bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, kết quả là đã xét nghiệm hơn 90.000 mẫu, phát hiện 808 ca nhiễm. Tới đây, thành phố sẽ triển khai 10 cơ sở xét nghiệm khẳng định tại các huyện thay vì 1 cơ sở tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội như hiện nay. “Việc xét nghiệm HIV sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Càng phát hiện sớm thì việc chăm sóc y tế, bao gồm cả điều trị bằng ARV sẽ càng hiệu quả. Chưa kể, việc phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV còn giúp người bệnh được điều trị kịp thời, từ đó giảm chi phí thuốc men, điều trị mà vẫn có thể lao động, học tập như những người khác”, bà Lã Thị Lan nhấn mạnh.
Hướng tới mục tiêu 90-90-90
Các hoạt động nhân Tháng hành động quốc gia về phòng chống HIV/AIDS (từ ngày 10-11 đến 10-12) trên địa bàn thành phố năm nay đều hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, đó là 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh, 90% được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV và 90% kiểm soát số lượng vi rút ở mức thấp.
Theo bà Lã Thị Lan, thành phố sẽ tập trung vào 4 nhóm nội dung chính. Cụ thể là nâng cao nhận thức của nhân dân về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS nói chung và lợi ích của việc xét nghiệm HIV sớm nói riêng. Bên cạnh đó là tuyên truyền nhằm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Cùng với việc mở rộng phạm vi xét nghiệm HIV sớm, thành phố sẽ nâng cao chất lượng của dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Trước khó khăn do nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ hạn chế, sang năm 2018, việc điều trị ARV của bệnh nhân nhiễm HIV sẽ được chi trả thông qua bảo hiểm y tế. Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS, chuyển cơ sở điều trị từ các trung tâm y tế về các phòng khám đa khoa khu vực để thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS. Đến nay, 18/18 cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tiến tới kết thúc dịch AIDS ở Hà Nội vào năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thời gian tới, ngành Y tế Thủ đô cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các mô hình, dịch vụ dành cho nhóm đối tượng khó tiếp cận (quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới…) để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Mặt khác, cần kêu gọi cộng đồng chủ động bảo vệ sức khỏe, tích cực tham gia phòng, chống AIDS và các tệ nạn xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.