(HNM) - Bốn điểm sinh hoạt văn hóa được xây dựng dành cho công nhân lao động (CNLĐ) trực tiếp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) trên địa bàn Hà Nội tuy chưa thể
Hơn thế, đây là mô hình mở để phát huy trong tương lai, nhằm tăng cường công tác chăm lo đời sống tinh thần, đáp ứng niềm mong mỏi của CNLĐ về nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện thân thể, giao lưu văn hóa, văn nghệ, nâng cao kiến thức...
Khi ước mơ thành hiện thực
Một buổi sinh hoạt, giao lưu của công nhân tại điểm đọc sách báo văn hóa trong KCN Bắc Thăng Long. Ảnh: Kiều Hùng
Từ Bắc Giang ra Hà Nội làm công nhân Công ty Nissei (ở KCN Bắc Thăng Long) được gần 3 năm, song chưa bao giờ Văn Thị Hoàn có cuộc sống tinh thần đầy đủ như hiện tại. Hằng ngày, sau giờ tan ca ở công ty, về khu trọ líu ríu cơm nước với mấy cô bạn cùng phòng xong là Hoàn cùng các bạn đạp xe thẳng ra điểm sinh hoạt văn hóa tại khu nhà ở của công nhân KCN Bắc Thăng Long. Tại đây, Hoàn cùng các bạn thỏa sức đọc sách, báo, xem tivi, luyện tập thể dục thể thao. Vui hơn nữa, Hoàn cùng các bạn được gặp, giao lưu, trò chuyện với rất nhiều bạn đồng nghiệp của các công ty khác trong KCN này. Hoàn tâm sự: "Gần một tháng nay, từ khi có điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, tôi cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Trước đó, tôi đã nhiều lần tính chuyện bỏ việc về quê làm ruộng vì làm công nhân không những thu nhập thấp mà còn rất buồn vì quanh năm suốt tháng, ngoài thời gian làm việc trong nhà máy, tôi và bạn bè chẳng biết làm gì hơn ngoài việc "ngủ nướng". Nhưng giờ mỗi ngày được đến điểm sinh hoạt văn hóa, tôi thấy tinh thần vui vẻ, những nỗi lo cơm áo gạo tiền của thời "bão" giá vơi đi rất nhiều, điều đó khiến tôi tự tin để gắn bó với nghề".
Cùng cảm nhận và suy nghĩ như Hoàn, song công nhân Văn Ngọc Thọ, quê ở Ba Vì, làm việc tại Công ty HOYA cho biết, với mức thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng, trước đây Thọ cũng như bạn bè không dám bỏ tiền mua sách về đọc, hay muốn tham gia một lớp thể hình hay hoạt động thể dục thể thao cũng không đủ điều kiện và không có chỗ, song bây giờ chỉ cần đến điểm sinh hoạt văn hóa là những nhu cầu đó đều được đáp ứng. Thọ cho biết, nhờ luyện tập thường xuyên với máy chạy ở đây mà sức khỏe, tinh thần của mình khá hơn trước.
Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân mà Hoàn và Thọ tiếp cận (mới đưa vào hoạt động đúng dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5 vừa qua), được đặt tại tầng 1 của một trong những đơn nguyên nhà chung cư dành cho CNLĐ KCN Bắc Thăng Long. Nằm trên diện tích 250m2, được LĐLĐ Hà Nội đầu tư hơn 166 triệu đồng, điểm sinh hoạt văn hóa có tủ sách pháp luật, báo các loại, hai máy tính nối mạng internet, tivi, bàn bóng bàn, 4 máy tập thể thao, giàn karaoke. Với những thiết bị như thế, điểm sinh hoạt văn hóa vừa tạo cơ hội để CNLĐ tìm hiểu kiến thức pháp luật, cuộc sống, nâng cao thể lực, vừa là điểm nhấn nâng cao vị thế của tổ chức CĐ, để CĐ cơ sở thuận lợi hơn trong hoạt động.
Trên thực tế, nhiều công nhân hiện nay đã được hưởng các thiết chế văn hóa như Hoàn và Thọ. Song cũng còn hàng trăm ngàn CNLĐ đang mong ước có được những niềm vui giản dị như thế.
Sự nỗ lực của tổ chức công đoàn
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội cho biết, trước thực trạng đời sống vật chất, tinh thần của CNLĐ còn nhiều thiếu thốn, điều kiện sống, làm việc còn gặp nhiều khó khăn, phải thuê nhà trọ tạm bợ, không có tivi, sách báo, không có khu vui chơi, thể thao, giải trí và những thiết chế văn hóa tối thiểu, năm 2010, LĐLĐ TP đã xây dựng đề án "Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân" và chọn 4 đơn vị làm thí điểm xây dựng mô hình này, trong đó có 2 điểm được xây dựng tại doanh nghiệp, 1 điểm tại KCN, 1 điểm tại khu trọ công nhân. Đến nay cả 4 điểm đều hoạt động khá hiệu quả, thu hút đông công nhân trên địa bàn tham gia. Việc xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân không chỉ nhằm thực hiện Nghị quyết 20 của TƯ về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH mà còn nâng cao vai trò của CĐ đối với việc tăng cường chăm lo đời sống người lao động và đặc biệt là giúp CNLĐ được thụ hưởng những quyền lợi thiết thực, giúp họ vững tin vào tổ chức CĐ, nỗ lực phấn đấu trong lao động sản xuất và nâng cao trình độ, kiến thức về nhiều mặt, qua đó tạo dựng quan hệ lao động hài hòa với doanh nghiệp. Với ý nghĩa, hiệu quả thiết thực đó, hiện nay LĐLĐ TP đã và đang triển khai mở rộng mô hình này, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp CĐ phấn đấu từ nay đến hết năm 2012 sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động từ 30 đến 50 điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân. LĐLĐ TP cũng đặt ra mục tiêu dài hạn, phấn đấu để các đơn vị, DN có từ 200 CNLĐ trở lên có 1 điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân.
Chủ trương xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân trên địa bàn TP thời gian qua đã được thực hiện khá thành công. Một số nơi trong quá trình hoạt động đã sáng tạo mở rộng đối tượng tham gia là người dân địa phương, để tăng cường sự giao lưu, gắn kết, tạo sự đoàn kết giữa nhân dân với CNLĐ. Tuy đạt được kết quả đáng phấn khởi, song hiện nay, 4 điểm sinh hoạt văn hóa cũng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu vui chơi, giải trí, luyện tập, nâng cao kiến thức của số lượng lớn CNLĐ. Để ngày càng có nhiều điểm sinh hoạt văn hóa và ngày càng nhiều CNLĐ được thụ hưởng lợi ích này, nhiều cán bộ CĐ kiến nghị, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng để tạo kinh phí, mặt bằng và cơ chế hoạt động, đồng thời ràng buộc trách nhiệm của các DN cùng tham gia. Theo ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch CĐ KCN và CX Hà Nội nên có chủ trương xã hội hóa việc xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân và cần có quy định phân định trách nhiệm đối với từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.