Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tưng bừng xuân mới

Minh Ngọc| 08/02/2013 06:29

(HNM) - Phố phường được trang hoàng rực rỡ, hoa khoe sắc thắm muôn nơi, không khí tưng bừng, rộn rã... Tết này, người Hà Nội không cần đi đâu xa cũng có thể du xuân mọi miền Tổ quốc.


Sắc xuân mọi miền

Xuân này cũng như những xuân qua, Hà Nội - nơi khí thiêng hội tụ, nơi phát triển kinh tế sôi động vào bậc nhất cả nước là địa điểm giới thiệu, quảng bá nét văn hóa ngày tết độc đáo của các vùng miền. Đào rừng theo các chuyến xe về phố, mấy ngày trước còn khẳng khiu, nay bắt đầu khoe ra những nụ xinh phơn phớt hồng. Bưởi hồ lô từ miền Tây ra góp thêm chút xuân cho hội hoa, chợ tết diễn ra tại Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội). Gạo nếp hương Sơn La, măng gầu Tuyên Quang, bánh pía Sóc Trăng, bánh tét lá cẩm trứng muối Cần Thơ, chả bò Đà Nẵng… được bày bán từ các chợ nhỏ đến siêu thị…

Phố “ông đồ” rất hút khách trong những ngày áp Tết Nguyên đán cổ truyền. Ảnh: Nhật Nam


Thú vị hơn, cây nêu - biểu tượng của vũ trụ, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp đã được dựng lên tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội). Tại đây, đồng bào các dân tộc từ khắp các tỉnh, thành đang tập dượt các chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách trong ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" diễn ra từ ngày 18 đến 20-2 (tức mùng 9 đến 11 tháng Giêng). Đó là lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông, lễ cúng tổ tiên dịp tết của bà con Lô Lô, nghi lễ Then cầu tự của người Tày, lễ hội Kỳ Yên của dân tộc Ngái (Hoa), đám cưới người Dao... Nổi bật trong chuỗi hoạt động của ngày hội là lễ Khai hạ, hay còn gọi là lễ hạ cây nêu, được tổ chức tại Quảng trường Khu các làng dân tộc. Trong nghi lễ đặc biệt này, sẽ có chương trình nghệ thuật tôn vinh 3 di sản mới được UNESCO vinh danh là hát Xoan (Phú Thọ), mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Cụ Nguyễn Vân Đài, 75 tuổi, là người chỉ huy dựng cây nêu đến từ thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang), phấn khởi: "Mới về làng ít ngày tôi đã thấy quen rồi. Được trình diễn, giới thiệu những nét đặc sắc của quê hương mình với người dân Thủ đô dịp Tết Quý Tỵ, tôi vui lắm".

Những ai yêu Tết truyền thống cũng có thể đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy (Hà Nội) cùng đồng bào Thái múa sạp, múa khăn, múa nón; thử mặc y phục của người Mông, Dao, Thái, Phù Lá; tập chơi pháo đất, đánh đu, kéo co, nhảy bao bố, nặn tò he; thưởng thức thịt lợn quay, xôi màu, cơm lam, bánh sừng bò, bánh phồng, bánh chưng… của các dân tộc vùng núi phía Bắc…

Tết riêng của người Hà Nội


Không chỉ hội tụ sắc xuân mọi miền, Hà Nội, với bề dày truyền thống, với những nét văn hóa rất riêng, có cách đón tết cũng theo cách riêng.

Chơi hoa, chơi tranh, câu đối là thú tao nhã trong ngày tết của người Hà Nội đã đi vào thơ, vào truyện, vào nếp nghĩ của nhiều người. Bởi thế mà chợ hoa Nghi Tàm, Quảng Bá, Hàng Lược nhộn nhịp từ nhiều ngày nay. Chợ hoa Hàng Lược chỉ họp duy nhất một dịp trong năm (23 tháng Chạp đến 30 Tết) và những loài hoa đẹp nhất đều khoe sắc tại đây. Hàng Lược còn là nơi giao dịch cho thuê hoa, hết tết đem trả lại. Dịch vụ này thỏa mãn được nhu cầu chơi hoa tết của một bộ phận khách hàng không có điều kiện chăm sóc hoa thường xuyên hay nhà cửa chật chội.

Đã trở thành nét đẹp văn hóa, sau rằm tháng Chạp, phố "ông đồ" lại hình thành trên đường Văn Miếu, cạnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám. "Ông đồ" đến đây cho chữ tới cả chục người, già có, trẻ có, trai có, gái có. Vậy mà những ngày giáp tết, có lúc "cung" không đủ "cầu". Đặc biệt hơn, tết đến, người Hà Nội lại có cái thú... đi tìm ngày xưa trong lòng phố cổ. Từ 14h đến 17h hằng ngày, đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc) là nơi giới thiệu tranh của họa sĩ Nguyễn Sĩ Tốt và gia đình (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì); đình Hồng Lạc (38 Hàng Đào) giới thiệu làng nhiếp ảnh truyền thống Lai Xá (Hoài Đức). Dòng tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng "hội ngộ" về ngôi nhà di sản 87 Mã Mây giúp những ai nhớ Hà Nội, yêu Hà Nội, muốn khám phá về Hà Nội được thỏa chí. Cách khu phố cổ không xa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan triển lãm cây cảnh, nghệ thuật và hoa mừng Đảng, mừng Xuân tại khu vực phía trước Bắc Môn; mở cửa khu khảo cổ trên diện tích khoảng 500m2 trong khu Trung tâm Hoàng thành. Tết xưa của người Hà Nội cũng được giới thiệu tại Thư viện Hà Nội (số 47 Bà Triệu) qua hàng trăm cuốn sách, bài báo, bức ảnh đang được trưng bày…

Đi trên mọi nẻo đường của Thủ đô những ngày cuối cùng của năm Nhâm Thìn, đâu đâu cũng ngập tràn sắc xuân. Vượt qua sự khó khăn của một năm kinh tế nhiều biến động, người Hà Nội chuẩn bị một cái Tết đủ đầy, tươm tất với hy vọng năm Quý Tỵ sẽ no đủ, thịnh vượng, vui tươi.

Nhiều chương trình đặc biệt chào Xuân Quý Tỵ

(HNM) - Đêm Giao thừa, 29/29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đều bắn pháo hoa và biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân. Cùng thời gian đó, chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc sẽ diễn ra tại đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn, quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây… biểu diễn xiếc tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Đầu xuân, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ có thi đấu cờ người, cờ tướng, triển lãm thư pháp, nói chuyện thơ xuân…

* Tối 12-2, tại Trung tâm văn hóa TP Hà Nội (4 Phùng Hưng, Hà Đông) sẽ diễn ra chương trình "Du xuân" của Nhà hát Chèo Hà Nội với các chùm, trích đoạn chèo cổ và chèo hiện đại do các nghệ sĩ: NSƯT Quốc Anh, NSƯT Thu Huyền, NSƯT Minh Nhan, NSƯT Ngọc Ánh, NSƯT Quang Thuận… trình bày…

Minh Ngọc - An Nhi
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tưng bừng xuân mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.