Ngày 13/2 (tức mùng 4 Tết), Khu di tích chùa Keo tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã tổ chức lễ hội mùa xuân 2013 với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn.Đây là dịp để các tăng ni, phật tử, du khách gần xa đến cầu may đầu năm, dâng hương tưởng nhớ công đức của quốc sư Dương Không Lộ - người có công xây dựng di tích Chùa Keo và tham quan công trình kiến trúc nghệ thuật quốc gia độc đáo này.
Ảnh minh họa: thaibinh.gov.vn |
Trong tiết trời đầu xuân thiêng liêng, ấm cúng, sau nghi lễ dâng hương tại đền Thánh, du khách được hòa mình trong các cuộc thi dân gian mang đậm màu sắc của cư dân đồng bằng Bắc bộ như chạy giải, kéo lửa thổi cơm thi, bắt vịt dưới hồ và thi chọi gà. Lễ hội năm nay được tổ chức càng có ý nghĩa hơn nữa khi năm 2012 khu di tích này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là “Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt” và đây cũng là một trong những hoạt động chào mừng Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013.
Chùa Keo (Thái Bình) là nơi thờ Phật và thờ Thánh (vị Thánh được thờ là Dương Không Lộ - người sáng lập chùa). Chùa Keo là công trình kiến trúc quy mô, phức hợp nhiều khối kiến trúc đa dạng nhất trong tất cả các kiến trúc Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ với các khu tam quan, chùa Phật, điện thánh, gác chuông, hành lang và khu tăng xá, vườn tháp. Tất cả được đối xứng qua trục dọc là hai dãy hành lang Đông và Tây, phía sau của hai dãy hành lang là hai hồ nước lớn. Đây cũng là ngôi chùa cổ còn lưu giữ được.
Chùa có nguồn gốc từ một ngôi chùa có tên là Nghiêm Quang tự, do Thiền sư Dương Không Lộ (1016-1094) xây dựng ở ven sông Hồng năm 1061 dưới thời vua Lý Thánh Tông, tại hương Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay là huyện Giao Thủy, Nam Định). Đến năm 1167, đời vua Lý Anh Tông mới đổi thành Thần Quang tự. Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa được gọi là chùa Keo. Theo thời gian, nước sông Hồng xói mòn dần nền chùa và đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa. Dân làng một nửa dời về đông nam hữu ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Hành Thiện (nay thuộc tỉnh Nam Định), một nửa vượt sông đến định cư ở phía đông bắc tả ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Thái Bình.
Trong những ngày đầu xuân mới, cùng với lễ hội chùa Keo, một trong những hoạt động văn hóa tiêu biểu, trọng tâm của tỉnh Thái Bình còn có lễ hội đền Trần (Hưng Hà) diễn ra từ ngày 13 đến hết ngày 18 tháng Giêng. Đây là dịp để người dân tưởng nhớ công lao to lớn của các vị vua Trần và giao lưu giữa các vùng văn hóa./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.