(HNMO) - Hôm nay (5-9), trong tiết trời thu trong xanh, nắng vàng như rót mật, 2 triệu học sinh Thủ đô hòa cùng hơn 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự lễ khai giảng, bước vào năm học mới 2019-2020. Lễ khai giảng ở các trường diễn ra nhanh gọn nhưng tươi vui, xúc động với cả cô và trò.
Lễ khai giảng nhanh gọn mà vui tươi
Từ 6h sáng 5-9, không cần bố mẹ phải giục như mọi lần, em Ngô Bá Nhật Anh, học sinh lớp 6A5 Trường THCS Ngô Gia Tự (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khẩn trương vệ sinh cá nhân để có mặt tại trường lúc 7h, chuẩn bị cho lễ khai giảng. Quần áo đồng phục gọn gàng cùng lá cờ đỏ sao vàng được Ngô Bá Nhật Anh chuẩn bị từ tối hôm trước với bao nhiêu háo hức. Khác với mọi năm, năm nay, Nhật Anh bước vào năm đầu của bậc trung học cơ sở nên em có chút bỡ ngỡ khi thay đổi trường, lớp.
Tâm trạng vui mừng, háo hức của cậu bé Ngô Bá Nhật Anh cũng giống như tâm trạng của bao học sinh trên địa bàn Thủ đô và cả nước. Niềm vui đến trường, được gặp gỡ thầy cô, bạn bè cùng nhiều mục tiêu đặt ra cho năm học mới luôn mang đến cảm giác hân hoan, náo nức với cả học sinh và các thầy, cô giáo.
Lê Quang Đức, học sinh lớp 7A7, Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa) phấn khởi nói: “Đến trường được gặp lại các bạn sau thời gian nghỉ hè, con vui lắm. Ngày khai giảng giống như ngày hội vậy!”.
7h30, lễ khai giảng diễn ra đồng loạt tại nhiều trường trên địa bàn Hà Nội. Từ nhiều năm nay, các trường trên địa bàn Hà Nội đã không ngừng đổi mới để tổ chức một lễ khai giảng nhanh, gọn, trong khoảng 45 phút đến 1 tiếng, nhưng vẫn đủ để học sinh có sự khởi đầu đầy ý nghĩa cho năm học mới.
Lễ khai giảng vẫn đầy đủ các nghi lễ trang trọng như: Chào cờ, diễn văn khai giảng thể hiện quyết tâm phấn đấu của thầy và trò nhà trường, các tiết mục văn nghệ tươi vui do chính các cô, trò biểu diễn…
Cô Huỳnh Thị Thanh Hiền, giáo viên chủ nhiệm lớp 1H, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cho biết, dù năm nào cũng đón học sinh lớp 1, nhưng mỗi năm, cô và trò đều có niềm hân hoan riêng.
“Các con bước từ môi trường mầm non lên tiểu học là cả quá trình cần chuẩn bị tâm lý. Năm nay, lễ khai giảng diễn ra nhanh gọn nhưng vẫn mang đến không khí tươi vui, ấm áp, giúp các con có tâm lý tốt nhất để bước vào năm học mới”, cô giáo Thanh Hiền nói.
Từ 6h sáng nay, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố Hà Nội đã huy động 100 cán bộ, chiến sĩ tập trung phân luồng, chỉ huy điều khiển giao thông tại các nút giao thông trên toàn địa bàn thành phố, đặc biệt là khu vực cổng trường học nhằm giảm ùn tắc, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra trong ngày khai giảng.
Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông cho biết, trong sáng nay, giao thông được bảo đảm thông suốt. Thông tin từ các Đội CSGT báo về, trên địa bàn thành phố không ghi nhận các vụ tai nạn, sự cố đáng tiếc liên quan đến học sinh, sinh viên.
Cùng quyết tâm cho một năm học nhiều đổi mới
Năm học mới, nhiều trường đã thực hiện trang hoàng, tu sửa lại cơ sở hạ tầng như trồng cây xanh, lát gạch sân trường, xây mới một số hạng mục, nâng cấp nhà vệ sinh, quét vôi trường lớp… Các trường đặt ra nhiều mục tiêu, quyết tâm để thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học.
Cô Nguyễn Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cho biết, phương châm đổi mới trong cách giảng dạy của nhà trường năm nay là: “Nhà trường hạnh phúc - thầy cô hạnh phúc - học sinh hạnh phúc”. Các thầy cô sẽ thực hiện phương pháp giảng dạy thân thiện, để các học sinh tìm thấy nhiều niềm vui khi đến trường. Học sinh sẽ chủ động vận dụng kiến thức được học để có nhiều buổi thực hành mang tính thực tiễn.
Trong không khí phấn khởi của ngày khai trường, cô Bùi Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Lâm (quận Long Biên) cho biết, Ban giám hiệu nhà trường coi năm học 2019 – 2020 như một năm bản lề để năm sau thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Một trong những điểm đổi mới của năm học này là nhà trường sẽ thí điểm thực hiện mô hình “Trường học điện tử” để giúp các thầy, cô giáo và học sinh kết nối với nhau trong giờ học, các thầy cô soạn giáo án điện tử...
Thực hiện chủ trương, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cô Trần Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, năm nay, ngoài việc nâng cấp cơ sở vật chất cho các phòng học, xây mới hai dãy nhà, nhà trường đã tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên trước khi bước vào năm học. Các thầy cô giáo cùng thảo luận, xây dựng các kế hoạch để hoàn thành chương trình theo các chuyên đề, đáp ứng yêu cầu của việc đổi mới sách giáo khoa.
Chia sẻ trước năm học mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, năm học 2019-2020 là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng là năm toàn ngành tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ông Chử Xuân Dũng khẳng định, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn là mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã kiên trì triển khai. Vì vậy, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2020 có hơn 70% số trường công lập đạt chuẩn, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các trường ở địa bàn còn khó khăn.
Năm học mới 2019 - 2020 đã bắt đầu. Với quyết tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo cùng nỗ lực của các trường và thầy cô giáo, học sinh trong việc thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, hy vọng học sinh Thủ đô sẽ có một năm học hiệu quả, thành công.
Nhiều trường đã không thả bóng bay trong lễ khai giảng
Cô Trần Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm): Ngay từ đầu năm học, trường đã có nhiều hoạt động nâng cao ý thức cho học sinh về bảo vệ môi trường như: Tổ chức thi viết, thi vẽ... Nhà trường luôn nhắc nhở cán bộ, giáo viên và học sinh vứt rác đúng nơi quy định, không bọc vở bằng bìa ni-lon, không dùng chai nước bằng nhựa dùng một lần... Năm nay, nhà trường không tổ chức lễ thả bóng bay như mọi năm để bảo vệ môi trường.
Cô Lê Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm): Trong lễ khai giảng năm nay, nhà trường không thả bóng bay, cũng không dùng hoa bằng nhựa vì sau lễ khai giảng, lượng rác thải ra môi trường rất nhiều. Chúng tôi cho rằng, những tràng pháo tay và tiếng trống trường đủ giúp lễ khai giảng rộn rã, vui tươi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.