Theo dõi Báo Hànộimới trên

Túi ngực gây scandal không được nhập chính thức về VN

Nam Phương| 28/12/2011 11:21

Hàng nghìn phụ nữ Pháp phải tháo bỏ túi nâng ngực của PIP vì lý do sức khỏe, điều này khiến không ít phụ nữ Việt Nam từng độn ngực lo lắng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, chị em có thể yên tâm vì loại túi này không được nhập chính thức về nước ta.


Mới đây, cơ quan y tế Pháp cho biết túi nâng ngực của Công ty Poly Implant Prothese có nguy cơ nứt vỡ cao hơn các loại khác. Ngoài ra, chúng còn chứa silicone công nghiệp thay cho silicone y tế để tiết kiệm tiền, và nhiều người lo ngại khi vỡ chúng sẽ gây hại cho người dùng.

Trong khi đó, tại Việt Nam, ngày càng nhiều chị em có nhu cầu nâng ngực. Vì thế, thông tin trên khiến không ít chị em giật mình. Thậm chí, có người bỏ hẳn ý định đi nâng cấp vòng 1 vì sợ.

Túi độn ngực PIP được lấy ra từ một phụ nữ Pháp. Ảnh: Newsdaily.

Biết thông tin trên, chị Hương, 25 tuổi, ở Mai Động, Hà Nội phát hoảng vì không nhớ mình dùng túi của hãng nào. Ngay lập tức, chị gọi điện cho bác sĩ phẫu thuật của mình để tư vấn. Chị mới được đi nâng ngực cách đây 6 tháng.


"Biết đâu tự dưng nó bị vỡ thì đúng là họa lớn. Tuy nhiên bác sĩ nói là không có gì phải lo lắng nếu thấy ngực không có gì bất thường. Hơn nữa túi độn ngực mình dùng là của một hãng khác của Mỹ. Nhưng nói gì thì nói mình cũng sẽ phải cảnh giác hơn, thấy có gì lạ là đi khám ngay", chị Hương cho biết.

Theo tiến sĩ Nguyễn Huy Thọ, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Hàm mặt, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), trước đó cơ quan thiết bị y học Anh đã cảnh báo về loại túi độn ngực của PIP vì chúng gây phản ứng viêm sau độn ngực. Hiện loại này cũng không có mặt ở thị trường Mỹ.

Tất cả túi độn ngực được sử dụng ở Việt Nam thường là loại chất lượng cao, sản xuất tại Mỹ của một số hãng như: Allergan, Mentor, Eurosilicone...., silicone chứa trong túi là thế hệ thứ 4 và 5 - thế hệ mới nhất (silicone gel, độ kết dính cao, vỏ dầy). Vì thế, chúng tương đối an toàn và chị em có thể yên tâm.

"Nhiều hãng đang nghiên cứu để cho ra những loại túi có chất lượng tốt nhất, nhưng trong quá trình nghiên cứu có một số sản phẩm không đạt qua kiểm chứng trên người sử dụng. Vì thế, việc phẫu thuật tháo bỏ túi PIP cũng là chuyện bình thường, nằm trong dự kiến cảnh báo", tiến sĩ Thọ nói.

Về vấn đề này, phó giáo sư Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cũng cho biết: "Có người từng gọi điện giới thiệu cho tôi về túi nâng ngực PIP để đặt cho bệnh nhân nhưng tôi đã từ chối nhập về khoa. Có lẽ không chỉ riêng bệnh viện chúng tôi mà các bác sĩ thẩm mỹ chính quy cũng không dùng loại túi ngực này".

Dù khẳng định là các túi ngực được đặt cho bệnh nhân là an toàn tuy nhiên các chuyên gia vẫn khuyến cáo, cũng như các phẫu thuật khác thì phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực cũng có một tỷ lệ rủi ro nhất định.

Tiến sĩ Sơn cho biết, tuổi thọ của túi ngực khá dài, 10-15 năm và có thể chịu lực mạnh. Tuy nhiên trong một số trường hợp vẫn có khả năng vỡ hay rò rỉ chất liệu bên trong. Khi đó, chị em cần đến các cơ sở có uy tín để phẫu thuật lấy túi ra, tránh gây biến chứng.

"Nếu không may túi silicone bị vỡ có thể gây ra tình trạng viêm của lớp vỏ xơ và hình thành mô sẹo trong vú. Một số chị em có thể có các triệu chứng đau, rát, ngứa, sưng, tê hoặc nổi cục u cứng xung quanh mô cấy, tùy thuộc vào cơ địa từng người, kỹ thuật đặt, chất liệu túi...", tiến sĩ Sơn nói.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Thọ, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Hàm mặt, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cho biết, hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam vẫn gặp một tỷ lệ nhất định, từ 0 đến 5% có biến chứng, chủ yếu là vấn đề co bao. Đây là hiện tượng cơ thể sinh ra bao xơ bọc lấy túi, đặc biệt ở một số người bao trở nên rất dày, dẫn đến việc co rút, bóp túi độn ngực, làm cho hình thái của bầu vú bị thay đổi, bệnh nhân có cảm giác đau, khó chịu.

Theo ông, biến chứng này thường xuất hiện muộn sau phẫu thuật 6 tháng, thậm chí là nhiều năm. Khi đó, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để có thể làm phẫu thuật kỳ 2, bóc bao xơ, thay vật liệu chứa trong túi. Đây là phản ứng riêng của từng cơ thể với chất lạ. Vì thế, sau cắt chỉ sau 10 ngày, chị em phải tập xoa bóp ngực trong 6 tháng để chống co bao.

Những biến chứng khác do phẫu thuật nâng ngực có thể có là: hình thể của ngực sau phẫu thuật không được đẹp như ý muốn (bên cao, bên thấp, đường rãnh giữa hai bầu ngực quá rộng...), sờ thấy túi (do da ngực quá mỏng hoặc túi trong quá trình phẫu thuật bị gấp tạo nếp gồ của túi, nên sờ thấy), rối loạn cảm giác đầu vú (biểu hiện đau vú khi sờ luôn bị kích thích, đau, có người sờ thì hoàn toàn mất cảm giác)... Về khả năng gây ung thư, hiện chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh mối liên hệ giữa căn bệnh này và silicone.

Đặt túi ngực không thể làm tùy tiện mà phải được thực hiện ở những cơ sở có uy tín. Những bệnh nhân mắc một số bệnh như: ung thư vú, tiểu đường, tim mạch... và người dưới 20 tuổi thì sẽ không được phẫu thuật đặt túi nâng ngực. Ngoài ra, chị em nên thay túi khi hết hạn hoặc đến bệnh viện kiểm tra khi có biểu hiện bất thường. Đặc biệt, với những trường hợp lỡ đặt túi độn ngực nhãn PIP nên sớm đến các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra. Sau khi đã cấy túi nâng ngực thì nên đi khám định kỳ năm một lần, nếu có biến chứng thì 3-6 tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Túi ngực gây scandal không được nhập chính thức về VN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.