(HNM) - Nghiêm túc, nhanh chóng, trách nhiệm là điều dễ nhận thấy tại bộ phận “một cửa” của các cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tinh thần đó không những cần sự tuân thủ kỷ luật, kỷ cương hành chính mà còn đòi hỏi trách nhiệm cao hơn của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm mang lại sự thuận lợi và hài lòng cho tổ chức, công dân.
Không lơ là nhiệm vụ
Những ngày xảy ra dịch Covid-19, dù lượng công dân đến giao dịch giảm khoảng một nửa so với trước, nhưng chị Trần Thị Châu Loan, công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) lại đến cơ quan sớm hơn giờ quy định để có thêm thời gian vệ sinh không gian nơi làm việc và đặc biệt là giải quyết hồ sơ trực tuyến cho công dân… Đây cũng là công việc được các cán bộ, công chức phường Giảng Võ (quận Ba Đình) duy trì đều đặn những ngày qua.
Phó Chủ tịch UBND phường Giảng Võ Nguyễn Đắc Phong cho biết: “UBND phường đã quán triệt các cán bộ, công chức phải quan tâm giải quyết hồ sơ cho công dân; dịch Covid-19 càng phức tạp thì trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính phải càng cao”. Dẫn chứng điều này, ông Nguyễn Đắc Phong kể, sau khi có bệnh nhân Covid-19 thứ 50 sống tại tòa nhà Lancaster (số 20 phố Núi Trúc) và tầng 10 tòa nhà này trở thành khu vực cách ly y tế, phường vẫn làm việc trong ngày thứ bảy để sẵn sàng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, đồng thời thực hiện vệ sinh, khử khuẩn nơi công sở”.
Vui mừng vì vừa chứng thực xong tập giấy tờ tại bộ phận “một cửa” của UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), chị Lê Thu Thảo, ở chung cư Linh Đàm, phường Hoàng Liệt cho hay: “Tôi nghĩ chính quyền đang tập trung cho phòng, chống dịch Covid-19, mọi người sẽ xao nhãng công việc, nhưng đến mới thấy bộ phận “một cửa” giải quyết hồ sơ rất nhanh”.
Để tránh đến nơi tập trung đông người, ông Trần Việt Phương (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) đã làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và thấy rất thuận tiện bởi toàn bộ thông tin được khai qua mạng và đúng ngày hẹn đến UBND xã để lấy kết quả. “Những lúc thế này càng thấy dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phát huy hiệu quả. Do đó, đây là dịp cần đẩy mạnh hơn nữa dịch vụ này”, ông Phương nêu ý kiến.
Cũng như cấp cơ sở, ở cấp sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tinh thần làm việc cũng diễn ra khẩn trương. Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND quận Hai Bà Trưng, tỷ lệ công dân đến giao dịch trực tiếp tại bộ phận “một cửa” của UBND quận giảm rõ rệt nhưng không vì thế mà cán bộ, công chức nhàn rỗi hơn bởi lượng hồ sơ nộp trực tuyến tăng đến 20-30%. Do đó, toàn bộ thành viên làm việc tại bộ phận “một cửa” luôn chấp hành đúng giờ giấc, hướng dẫn công dân làm hồ sơ trực tuyến nhiều hơn. Trong quá trình làm việc này, cán bộ, công chức luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và đề nghị công dân đến giao dịch cùng thực hiện, trong đó có cả việc giữ khoảng cách để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Chung quan điểm, Phó Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Đào Duy Hải cho rằng, trong mọi hoàn cảnh, việc phục vụ người dân chu đáo phải được đặt lên hàng đầu. Vì thế, ngay tại bộ phận “một cửa” của Sở đã niêm yết thông báo bảng phân công lĩnh vực và cán bộ nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (kèm số điện thoại và số bàn tiếp nhận) để công dân nhìn ra ngay vị trí cán bộ mình cần nộp hồ sơ, hoặc có thể gọi điện liên hệ khi cần…
Tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương
Đầu tháng 1-2020, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2020, trong đó nhấn mạnh đến việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính. Cụ thể, thành phố sẽ tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công khai thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính, đối thoại về thủ tục hành chính và việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính…
Điều đáng nói là những nội dung trên được Đoàn Kiểm tra công vụ của thành phố phát hiện còn tồn tại, thiếu sót ở khá nhiều đơn vị (trong đợt kiểm tra đột xuất sau Tết Nguyên đán năm 2020 từ ngày 30-1 đến 14-2). Trực tiếp dẫn đầu nhiều Đoàn kiểm tra công vụ của thành phố, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn kiểm tra công vụ thành phố Nguyễn Đình Hoa cho biết: “Đoàn kiểm tra đã phát hiện những thiếu sót cơ bản không đáng có như: Bộ phận “một cửa” không có người trực; chưa cập nhật kịp thời một số thủ tục hành chính đã sửa đổi, bổ sung, thay thế… Điều này phần nào thể hiện trách nhiệm thực thi công vụ, làm ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho công dân”.
Trong khi đó, từ thực tế công việc, bên cạnh những thuận lợi, công chức thực thi cũng cho biết vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ. Theo chị Nguyễn Thị Nghĩa, công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì), việc đánh giá mức độ đúng hạn hay quá hạn trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính cần chỉnh sửa lại trên phần mềm cho phù hợp giữa các bước, các bộ phận. Một số công chức địa chính, Tư pháp - Hộ tịch các xã, phường: Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình), Thanh Liệt (Thanh Trì)… cho rằng cần xem xét lại thời gian giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký kết hôn cho phù hợp giữa các bộ phận... Ở một số quận, huyện cũng phản ánh đường truyền internet để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đôi khi còn bị nghẽn.
Việc giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp ở thời điểm nào cũng đòi hỏi sự chính xác, nhanh chóng, hiệu quả; đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì yêu cầu này càng cao hơn. Do đó, dù giải quyết bằng con đường trực tiếp hay qua dịch vụ công trực tuyến, mỗi cán bộ, công chức đều luôn phải chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải nắm chắc các quy định về cải cách hành chính; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật và lơ là trách nhiệm thực thi công vụ.
Với công dân, trong bối cảnh Chính phủ, UBND thành phố khuyến cáo tránh tụ tập đông người phòng ngừa dịch Covid-19 thì cần tìm hiểu và tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hạn chế thực hiện các giao dịch hành chính nếu chưa thật sự cần thiết để vừa giải quyết được công việc, vừa góp phần phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.