Thống kê từ ngày 14 đến 18-4, USD trên thị trường quốc tế giảm, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh giảm 25 đồng còn 24.898 VND/USD. Tuy nhiên, trái chiều với tỷ giá trung tâm, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại và thị trường tự do lại tăng.
Đóng cửa tuần giao dịch, tỷ giá được niêm yết tại các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 25.730 VND/USD (mua vào) - 26.120 VND/USD (bán ra), tăng khoảng 200 đồng so với tuần trước. Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng tăng mạnh 265 đồng, giao dịch 26.285 VND/USD (mua vào) - 26.385 VND/USD (bán ra).
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng có diễn biến tương tự, thậm chí căng thẳng hơn do thị trường này phản ứng mạnh mẽ trước các biến động kinh tế. Tỷ giá trên thị trường tự do ở mức 26.385 VND/USD.
Ngoài ra, sự bất định tương đối lớn của kinh tế toàn cầu trong thời điểm hiện tại khiến các tài sản trú ẩn như vàng tăng giá mạnh mẽ. Giá vàng thế giới trong tuần qua lần đầu tiên vượt mức 3.300 USD/ounce, thiết lập đỉnh mới, đồng thời ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây.
Diễn biến trên thị trường thế giới lại ngược chiều khi khi giá USD suy yếu, chỉ số DXY, thước đo sức mạnh của USD so với rổ tiền tệ chủ chốt rơi xuống dưới mốc 100 điểm, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Theo đó, DXY ở mức 99,31 điểm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa có kế hoạch cắt giảm lãi suất, phản ánh sự suy giảm niềm tin vào USD do căng thẳng thương mại khơi lại tâm lý lo sợ rủi ro của nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam, áp lực lên tỷ giá gia tăng rõ rệt kể từ thời điểm Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng. Tỷ giá có thời điểm chạm trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, phản ánh tâm lý lo ngại về khả năng xuất khẩu sang Mỹ suy giảm và hệ quả gián tiếp đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.
Dự báo, tỷ giá USD/VND có thể tăng xấp xỉ 4% so với thời điểm cuối năm 2024. Diễn biến tỷ giá trong thời gian tới sẽ tiếp tục phụ thuộc vào hai yếu tố chính: Cung - cầu ngoại tệ, đặc biệt là các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cán cân thương mại và lượng kiều hối; xu hướng vận động của đồng USD trên thị trường quốc tế, thể hiện qua chỉ số DXY.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ cam kết hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhằm ổn định lãi suất. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước ngừng phát hành tín phiếu từ 1 tháng trước, thay vào đó tăng cường bơm ròng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn, với khối lượng đạt 63.678,83 tỷ đồng trong tuần qua.
Ngoài ra, 111.448,95 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố; không có tín phiếu lưu hành trên thị trường, nhưng khối lượng các khoản vay cầm cố đáo hạn là 72.035,4 tỷ đồng.
Tính chung tuần qua, lượng tiền hút ròng khỏi hệ thống là 8.356,67 tỷ đồng, trái ngược với khoản bơm ròng tuần trước (23.920,25 tỷ đồng).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.