(HNM) - Vượt qua hàng trăm đề tài khoa học của học sinh (HS) THPT toàn quốc, đề tài "Xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng kỹ thuật chân không và năng lượng Mặt trời phục vụ cho sinh hoạt" của nhóm HS THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã được chọn tham dự hội thi khoa học lớn nhất thế giới dành cho HS phổ thông mang tên Intel International Science and Engineering Fair (ISEF) - tổ chức tại Pittsburgh (Hoa Kỳ) trong tháng 5-2012 - cùng hơn 1.000 đề tài của HS các nước khác.
Với sự hỗ trợ của Intel, Bộ GD-ĐT đã phát động rộng rãi Hội thi Khoa học kỹ thuật ISEF tới HS THPT toàn quốc nhằm khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, góp phần giải quyết thách thức trong cuộc sống.
Các học sinh Trường Amsterdam thuyết trình tại hội thi. |
Việc đầu tư, nghiên cứu để cho ra "sản phẩm" có chất lượng và tính ứng dụng cao như của nhóm HS Trường Hà Nội - Amsterdam có ý nghĩa quan trọng. Với ý tưởng xây dựng một mô hình xử lý nước mặn quy mô nhỏ bằng cách kết hợp năng lượng Mặt trời và kỹ thuật chân không, trong gần 7 tháng liền, nhóm các em Trần Bách Trung, Bùi Thị Quỳnh Trang, Vũ Văn Vinh đã dành công sức thu thập tài liệu về đặc điểm phân bố bức xạ mặt trời ở Việt Nam, quan hệ áp suất và nhiệt độ trong kỹ thuật tạo chân không. Từ đó, các em xây dựng công thức mô phỏng quá trình xử lý nước mặn, thiết kế mô hình thực nghiệm và tiến hành thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và trong thực tế.
Theo TS khoa học kỹ thuật Nguyễn Văn Muôn, người trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu cho nhóm HS này, ý tưởng nảy sinh khi các em biết đến tình trạng thiếu nước sạch ở các vùng ven biển và hải đảo. "Thật ra, kỹ thuật chưng cất nước ngọt bằng hệ thống bơm chân không đã được sản xuất để áp dụng trên tàu thủy, song nguồn nhiệt là lấy từ nhiệt thừa của động cơ. Khả năng trực giác của các em đã mách bảo có thể dùng năng lượng mặt trời để thay thế. Theo tôi, ý tưởng này xuất hiện không phải ngẫu nhiên, chính các bài học ở trường đã dạy các em những vấn đề về ô nhiễm môi trường và năng lượng sạch", thầy Muôn nói.
Nắm vững lý thuyết, khả năng tư duy tốt và mong muốn góp phần giải quyết bài toán thực tế nhằm giảm nhẹ khó khăn trong đời sống của người dân, góp phần bảo vệ môi trường bằng việc sử dụng những nguồn năng lượng tái tạo nhưng nhóm HS này khó có thể thực hiện ước mơ nếu không có cơ hội tham gia "sân chơi" ISEF. Để tổ chức hội thi, Intel đã phối hợp với diễn giả các nước trao đổi kinh nghiệm với giáo viên, HS và cơ quan quản lý giáo dục để triển khai đề tài; hỗ trợ giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp HS đổi mới cách học. Hội thi ISEF chính là cầu nối giúp HS phát huy khả năng nghiên cứu, góp sức mình cho cuộc sống tốt hơn.
Chuẩn bị "mang chuông đi đánh xứ người", nhóm HS Việt Nam rất háo hức, tự tin vào đề tài dự thi của mình. Ngoài mục tiêu giành chiến thắng, các em còn có mục tiêu khác, như một thành viên trong nhóm chia sẻ là "được giao lưu, học hỏi, biết thêm cách giải quyết một vấn đề khoa học, từ đó hoàn thiện đề tài của mình. Chúng em sẽ được làm quen với những người bạn cùng yêu khoa học và tham gia vào mạng lưới các nhà khoa học trẻ".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.