Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự xuất phát từ lương tâm, trách nhiệm

Lâm Vũ| 14/03/2011 06:51

(HNM) - Trong những năm qua, nhà nước ta đã có nhiều văn bản mang tính pháp lý về vấn đề bảo vệ môi trường, đồng thời tham gia nhiều công ước quốc tế, nghị định thư về bảo vệ môi trường ở khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, việc thực hiện bảo vệ môi trường của chúng ta hiện vẫn còn rất yếu.


- Giáo sư có thể cho biết các tiêu chí để đánh giá đạo đức môi trường?


Tuổi trẻ Thủ đô ra quân thu gom rác thải, làm sạch môi trường.   Ảnh: Nhật Nam


- Tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá đạo đức môi trường là việc thực hiện các công ước quốc tế, luật và đạo luật, các nghị định của chính phủ, các chỉ thị, quyết định của các bộ, ngành về vấn đề bảo vệ môi trường. Ngoài các văn bản pháp quy trên, còn có quy định của các cộng đồng dân cư (tổ dân phố, khu dân cư ở đô thị, thôn xóm ở nông thôn), các quy ước hay hương ước, luật tục... về bảo vệ môi trường. Tiêu chí quan trọng thứ hai là sự tự ý thức của con người về nghĩa vụ của mình đối với việc bảo vệ môi trường. Điều này thể hiện ở sự quan tâm của con người đối với môi trường khi con người khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế, xã hội. Nghĩa vụ đối với hành vi bảo vệ môi trường còn thể hiện ở chỗ con người luôn ý thức được về mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích của cá nhân cộng đồng, xã hội với yêu cầu bảo vệ môi trường. Tiêu chí thứ ba xác định đạo đức môi trường là việc thực hiện các hành vi bảo vệ môi trường không phải là bắt buộc, mà có tính tự giác, tự nguyện. Trong thực tế, nhiều hành vi của con người được thực hiện một cách bắt buộc. Chẳng hạn, khi tham gia giao thông trên đường, mọi người phải chấp hành theo các tín hiệu giao thông. Đây là hành vi bắt buộc vì nếu không thực hiện, thì các cá nhân hay tổ chức sẽ bị xử phạt. Chỉ khi nào con người thực hiện những hành vi bảo vệ môi trường một cách tự nguyện, tự giác thì mới được coi là hành vi đạo đức môi trường.

- Thực trạng đạo đức môi trường nước ta hiện nay ra sao?

- Việc thực hiện hành vi đạo đức môi trường hiện còn rất yếu. Kết quả điều tra của Bộ Tài nguyên - Môi trường gần đây cho thấy tại 110 khu công nghiệp được khảo sát, chỉ có 61 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó 23 khu đang hoạt động, 38 khu đang chuẩn bị xây dựng, 49 khu chưa có. Mặt khác, một lượng lớn nước thải do 1.000 bệnh viện thải ra hàng năm rất độc hại và là nguyên nhân gây bệnh cho người dân. Làng nghề cũng là vấn đề đáng quan tâm. Cả nước có 1.450 làng nghề, rất đa dạng từ chế biến nông sản, giết mổ gia súc, thủ công mỹ nghệ… Ở làng nghề, ô nhiễm môi trường rất cao thể hiện nồng độ bụi và không khí có các chất NO2, SO2 vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Nước thải từ làng nghề đổ ra hệ thống thoát nước, sông ngòi rất lớn vượt từ 1 đến 5,1 lần quy định tiêu chuẩn cho phép. Các làng nghề như Vạn Phúc, Bát Tràng, Phú Đô… không có hệ thống xử lý nước thải nên cả nước thải lẫn chất thải rắn đều được đổ ra môi trường xung quanh. Ở khu vực nông thôn, người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, vứt vỏ các loại thuốc sâu xuống nguồn nước gây ra ô nhiễm. Tại các khu vực chăn nuôi, phân gia súc thải ngay xuống ao hồ xung quanh. Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng để nuôi tôm cá, làm nương rẫy canh tác dẫn đến lũ lụt…

- Các yếu tố ảnh hưởng đến đạo đức môi trường ở nước ta hiện nay là gì?

- Yếu tố thứ nhất là sự tự nhận thức của người dân về hành vi đạo đức môi trường chưa cao. Khảo sát của Viện Tâm lý cho thấy trên 70% người được hỏi không hiểu được đạo đức môi trường là gì. Khi không hiểu được thì việc thực hiện hành vi đạo đức môi trường chắc chắn sẽ không hiệu quả. Mặt khác, hoạt động tuyên truyền của khu dân cư, chính quyền địa phương, của cơ quan chức năng và phương tiện đại chúng chưa có tác dụng. Dư luận xã hội chưa có vai trò điều chỉnh hành vi con người về vấn đề bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, sự nhắc nhở xử phạt của những người có trách nhiệm ở cộng đồng dân cư còn rất thấp.

- Làm thế nào để xây dựng, nâng cao đạo đức môi trường, từ đó góp phần xây dựng một môi trường bền vững ở nước ta hiện nay?

- Trước hết phải đưa đạo đức môi trường vào các văn bản pháp quy của Nhà nước để giáo dục người dân việc bảo vệ môi trường không phải mang tính chất bắt buộc mà là tự giác xuất phát từ lương tâm, ý thức, trách nhiệm của mình. Ở cộng đồng dân cư đưa vào hương ước, quy ước; doanh nghiệp đưa vào chương trình hoạt động của doanh nghiệp; làng nghề đưa vào quy định hoạt động của làng nghề... Thứ hai, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục để hình thành, thay đổi nhận thức của người dân về đạo đức môi trường. Thay đổi ở chỗ từ xưa đến nay, con người vẫn cho mình quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, thống trị thiên nhiên, coi môi trường là công cụ phục vụ lợi ích của mình đến chỗ coi môi trường là một phần không thể thiếu của cuộc sống con người. Bên cạnh đó, cần gắn việc xây dựng đạo đức môi trường với việc bảo đảm lợi ích của người dân, tăng cường các hình thức xử phạt các hành vi vi phạm đạo đức môi trường.

- Xin cảm ơn giáo sư!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tự xuất phát từ lương tâm, trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.