(HNM) - Tại TP Hồ Chí Minh, không chỉ có Đại học Hoa Sen (ĐHHS) rơi vào tình trạng nội bộ bất ổn khiến sinh viên lo lắng, ảnh hưởng tới học hành mà nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) khác cũng từng xảy ra chuyện tương tự. Nguyên nhân chủ yếu đều bắt nguồn từ xung đột quyền lợi tài chính.
Khi người làm giáo dục "đấu đá"
Tại TP Hồ Chí Minh hiện có 15 trường ĐH, CĐ NCL thì có 8 trường nội bộ đấu đá liên quan đến tài chính. Mới đây nhất là Trường ĐH Hùng Vương, được thành lập từ năm 1995 với 10 nhà đầu tư sáng lập viên, định hướng hoạt động hình thức phi lợi nhuận. Từ năm 2005 tới 2011, có thêm hàng loạt các doanh nghiệp khác đầu tư với số vốn góp vượt trội, lấn át sáng lập viên và đây cũng là nguồn cơn nảy sinh mâu thuẫn. Tháng 6-2013, UBND TP Hồ Chí Minh không công nhận chức danh hiệu trưởng đối với người đương nhiệm. Vị này đã phản đối và cùng những người ủng hộ tổ chức đại hội cổ đông bất thường, bầu ra một hội đồng quản trị (HĐQT) tồn tại song song với HĐQT do một nhân vật khác đứng đầu (không khác bao nhiêu so với chuyện vừa xảy ra tại ĐH Hoa Sen). "Phe" này đã không bàn giao công việc, không bàn giao con dấu cho "phe" kia... dẫn đến mâu thuẫn trong tranh chấp con dấu kéo dài suốt năm 2013. Mâu thuẫn nội bộ tại Trường ĐH Hùng Vương khiến 1.460 sinh viên năm cuối bị trễ thời gian tốt nghiệp. Đến nay, việc khắc phục những bất ổn tại trường này vẫn hết sức khó khăn.
Bên đóng cổng trường, bên xô ra là cảnh từng xảy ra tại Đại học Hùng Vương khi nội bộ mâu thuẫn. |
Trường ĐH Văn Hiến cũng từng lao đao vì nội bộ bất ổn. Năm 2011, ĐH Văn Hiến tổ chức đại hội cổ đông nhằm chuyển đổi sang trường tư thục. Nhiều cổ đông phản đối, cho rằng HĐQT và lãnh đạo trường muốn bán trường với giá "bèo" làm ảnh hưởng đến quyền lợi. Đơn thư kiện tụng khắp nơi, sinh viên hoang mang, nguy cơ bị đình chỉ tuyển sinh, đóng cửa rất cao. Rất may, tháng 10-2012, sau khi tìm được tiếng nói chung, trường đã "mời" được Công ty Hùng Hậu làm nhà đầu tư chiến lược toàn diện và duy nhất nên mới vực được Văn Hiến phát triển như hôm nay.
Ở hệ CĐ NCL, Bộ GD-ĐT đã từng đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Sài Gòn do hàng loạt sai phạm, trong đó có việc nội bộ lục đục kéo dài. Phải đến khi trường được nhà đầu tư khác tham gia quản lý và đổi tên thành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn (tháng 3-2014) thì tình hình mới đi vào ổn định.
Đừng xem là "con nuôi"!
Trước những bùng phát bất ổn ở các trường ĐH, CĐ NCL, một giáo sư tâm huyết với ngành giáo dục đã cay đắng cho rằng: "Đầu tư vào giáo dục quá nhiều lợi nhuận và khi có lợi nhuận thì người ta xem giáo dục như một món hàng". Nói về vai trò quản lý, một hiệu trưởng trường ĐH tư thục ngao ngán cho biết, nhiều khi có cảm giác trường NCL như là "đứa con nuôi". "Các cơ chế quản lý, hành lang pháp lý cho hệ thống trường này phát triển đúng hướng đến nay vẫn rất lỏng lẻo" - vị hiệu trưởng này nói.
Tại hội nghị 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ NCL (tổ chức tháng 3-2014) GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho biết, ở nhiều nước, hệ thống trường tư đã góp phần đắc lực trong sự phát triển giáo dục ĐH. Hàn Quốc có đến 67% sinh viên học trong các trường tư. Ở nước ta, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục là đúng đắn. Song, việc triển khai còn rất hạn chế, nhất là các chính sách khuyến khích có liên quan. Đó là chưa nói còn có sự kỳ thị với loại trường "ngoài quốc doanh". GS Trần Hồng Quân cho rằng, nếu nhiều trường NCL đổ vỡ sẽ gây ra nhiều hệ lụy xã hội, làm nản lòng các nhà giáo và các nhà đầu tư. Thế nên rất cần các nhà quản lý giáo dục tìm ra giải pháp phù hợp thực tế để giúp các trường NCL đi đúng hướng và đặc biệt bảo đảm được môi trường giáo dục đúng nghĩa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.