Sở hữu ẩn ngân hàng dường như chưa xuất hiện trên lý thuyết. Sở hữu ẩn biến tướng từ sở hữu chéo nhằm giấu mặt cổ đông thao túng ngân hàng một cách tinh vi, tuyệt đối, hết sức nguy hiểm.
Nếu chưa có vụ án Vạn Thịnh Phát, chưa phát lộ cách thức thao túng ngân hàng tinh vi mới là nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần ngân hàng, tức sở hữu ẩn. Thông tin từ vụ án Vạn Thịnh Phát cho thấy, về công khai, Trương Mỹ Lan chỉ sở hữu 4,98% vốn ngân hàng SCB nhưng thực chất nắm giữ đến 91,5% thông qua gửi cổ đông đứng tên hộ.
"Lò than" sở hữu chéo vẫn còn âm ỉ
“Chiến dịch” dẹp bỏ sở hữu chéo ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước trong nhiều năm qua đã thu được những kết quả nhất định. Song thực tế đang cho thấy, càng đẩy mạnh đối phó với sở hữu chéo thì "hòn than" sở hữu chéo càng cháy âm ỉ. Nó như một thứ bạch tuộc, khi cổ đông trong sở hữu chéo ngân hàng xuất hiện các gương mặt bổ sung là doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, bảo hiểm…
Đa số doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình hệ sinh thái cần rất nhiều vốn, sở hữu đan xen chằng chịt, kỳ vọng phương thức kinh doanh “tay không bắt giặc”. Bởi vậy, những doanh nghiệp này sẽ tìm mọi cách biến ngân hàng thành sân sau để phục vụ cho mình. Dĩ nhiên, để "khống chế" được một ngân hàng nào đó, doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp phải là cổ đông chi phối. Quan sát cho thấy, rất ít doanh nghiệp nước ta hiện nay đủ sức chi phối vốn của một ngân hàng bậc trung, chứ chưa nói đến sở hữu một ngân hàng lớn.
Tuy nhiên, bằng những con đường lắt léo, thỏa hiệp, tạo nhóm lợi ích, khi đó, thậm chí nguồn vốn tín dụng cấp ra từ ngân hàng chạy lòng vòng rồi về lại ngân hàng với tư cách góp vốn chủ sở hữu, mặc dù luật ngân hàng không cho phép.
Hiện nay, ngoài trường hợp của SCB, cũng đã nổi lên nghi vấn về một vài ngân hàng tư nhân khác đang là sân sau của một hoặc một số doanh nghiệp chưa bị phát hiện. Nếu không kịp thời kiểm tra, rà soát để ngăn chặn, xử lý thì rất có thể, sẽ có thêm "SCB mới", âm ỉ đốt cháy dần một số ngân hàng.
Sở hữu ẩn tinh vi và nguy hiểm hơn sở hữu chéo
Trong sở hữu chéo, cho dù các thành viên trong nhóm cổ đông âm thầm cấu kết, ngân hàng cố tình giấu tên cổ đông thì cũng rất khó qua mặt các định chế kiểm soát, nếu loại trừ được yếu tố "bảo kê". Nhưng sở hữu ẩn sẽ khó kiểm soát hơn nhiều. Mục đích cấu kết của nhóm cổ đông trong sở hữu ẩn hoàn toàn khác mục đích cấu kết của nhóm cổ đông trong sở hữu chéo.
Với sở hữu chéo, mục đích là cùng thâu tóm ngân hàng. Còn sở hữu ẩn, mục đích trong cấu kết là tuân theo các chỉ đạo của ông/bà chủ ngân hàng đang giấu mặt. Người được thuê đứng tên cổ đông do hám lợi nên nhận mệnh lệnh làm thuê.
Nhờ sức mạnh chi phối ngân hàng gần như tuyệt đối nên ông/bà chủ ngân hàng giấu mặt sẽ khống chế, thao túng toàn bộ hoạt động của ngân hàng đó. Từ hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc điều hành, kiểm soát nội bộ đều thực thi chức trách vì mục đích phục vụ ông/bà chủ ngân hàng đó. Cho dù cấu trúc tổ chức hoạt động của ngân hàng bề ngoài không có gì khác với một ngân hàng bình thường, nhưng đó chỉ là bộ mặt bị che đậy.
Nhờ sở hữu ẩn, giấu mặt thông qua 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ nên Trương Mỹ Lan mới có thể chi phối ngân hàng SCB với tỷ lệ gần như tuyệt đối là 91,5%. Trương Mỹ Lan về chính danh là cổ đông chỉ nắm giữ xấp xỉ 5% vốn, nhưng có quyền thao túng toàn bộ hoạt động ngân hàng SCB kéo dài 10 năm mới bị phát giác.
Chưa có liều thuốc đủ ngăn chặn sở hữu chéo và sở hữu ẩn
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 đã quy định thắt chặt hơn trong giám sát sở hữu vốn ngân hàng để ngăn chặn hoạt động thao túng ngân hàng của cổ đông hoặc nhóm cổ đông. Luật sửa đổi này vẫn quy định tỷ lệ sở hữu của cổ đông cá nhân tối đa là 5%, nhưng đối với cổ đông tổ chức thì giảm từ 15% xuống còn 10%, cổ đông và nhóm cổ đông liên quan giảm từ 20% còn 15%.
Quy định sửa đổi trên chỉ có tác dụng hạn chế bớt, làm chậm lại quá trình các cổ đông cấu kết để đủ sức chi phối ngân hàng nào đó, chứ chưa ngăn chặn được sở hữu ẩn, giấu mặt. Nghị định sửa đổi quy định công khai thông tin cổ đông nắm giữ từ 1% vốn trở lên. Việc công khai thông tin này không có giá trị ngăn chặn cổ đông đứng tên hộ ông/bà chủ ngân hàng trong sở hữu ẩn. Nếu ngân hàng nào đó công khai thông tin về cổ đông ra công chúng để công chúng soi chiếu thì may ra mới phát giác được một số cổ đông nhất định đang đứng tên hộ.
Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chỉ quy định ngân hàng phải niêm yết, lưu giữ thông tin cổ đông nắm giữ từ 1% vốn trở lên tại trụ sở chính. Trong khi đó, mỗi một ngân hàng đều có mạng lưới chi nhánh khắp cả nước, nhưng chỉ có 1 trụ sở chính, vậy tỷ lệ bao nhiêu người sẽ tiếp cận được thông tin niêm yết đó? Rõ ràng, việc quy định cung cấp thông tin cổ đông như vậy vô hình trung gần như triệt tiêu vai trò giám sát của công chúng trong phát hiện cổ đông đứng tên hộ sở hữu ẩn ngân hàng.
Trong khi chưa thể nghiên cứu để tiếp tục sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, giải pháp có tác dụng hữu hiệu để ngăn chặn bớt sở hữu ẩn ngân hàng hiện nay là giám sát chặt đường đi của dòng tiền mua cổ phần của cổ đông. Trên cơ sở đường đi của dòng tiền, xác định địa chỉ xuất phát của nó, mới có thể "chỉ mặt" được cổ đông chính thức đang giấu mặt.
Tuy nhiên, như cách cắt đứt đường đi của dòng tiền trong vụ án Vạn Thịnh Phát, việc lần ra địa chỉ xuất phát của dòng tiền là khó khăn. Để ngăn chặn sở hữu ẩn, vấn đề cần thiết là bổ sung ngay quy định xử phạt hình sự với mức răn đe cao về tội đứng tên hộ cổ đông ngân hàng.
TS Phan Văn Thường
Đại học Quốc tế Hồng Bàng
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.