Tài chính

Ngăn sở hữu chéo ngân hàng: Cần xây dựng “hàng rào” pháp lý hiệu quả

Hà Linh 01/01/2024 07:19

Sau những hệ lụy từ việc sở hữu chéo, lũng đoạn ngân hàng, vấn đề tăng cường năng lực quản trị, cải cách mô hình giám sát hoạt động ngân hàng lại một lần nữa được đưa ra. Theo các chuyên gia, cần xây dựng “hàng rào” luật vững chắc để ngăn sở hữu chéo, giữ an toàn cho hệ thống ngân hàng nói riêng, cũng như nền kinh tế nói chung.

ngan-hang.jpg
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong. Ảnh: Quang Thái

Thiếu thông tin, công cụ để kiểm soát

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, những năm qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay. Tuy nhiên, ngăn sở hữu chéo ngân hàng vẫn còn hạn chế bởi liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngân hàng Nhà nước không có thông tin cũng như công cụ để kiểm soát.

Việc kiểm soát sở hữu chéo giữa các công ty ngoài ngành với ngân hàng rất khó khăn nếu cổ đông lớn và người có liên quan cố tình che giấu, nhờ cá nhân, tổ chức khác đứng tên hộ để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo. Việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua điều tra của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thiếu thông tin; độ chính xác, tin cậy của nguồn thông tin thấp.

Mặc dù, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đã được chỉnh sửa theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân từ 5% xuống 3% vốn điều lệ, sở hữu của một cổ đông tổ chức giảm từ 15% xuống 10%, hay nhóm cổ đông liên quan từ 20% xuống 15%..., song nhiều chuyên gia cho rằng, quy định không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo.

“Chiêu” phổ biến của cổ đông là sử dụng mô hình “cá nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân đó làm chủ” hoặc “cá nhân và công ty cổ phần chưa niêm yết với tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân đó trên 65%” để tránh các quy định công bố thông tin về cổ đông lớn. Tình trạng này khiến tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng không được bảo đảm, gây khó khăn trong hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát quyền “chi phối” thực sự của ngân hàng.

Cần làm gì để hạn chế sở hữu chéo?

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp chuyên ngành tài chính - kế toán, Đại học Bristol (Anh) cho rằng, sở hữu chéo giữa các nhà phát triển bất động sản và ngân hàng tại Việt Nam đang gặp những vấn đề mà nhiều quốc gia khác phải đối mặt, đó là các công ty bất động sản có vốn hóa yếu vay mượn nhiều từ ngân hàng thông qua mạng lưới phức tạp của các chi nhánh, từ đó đặt ngân hàng cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng vào trạng thái rủi ro cao. Vì vậy, cải cách trong giám sát ngân hàng sẽ là một nhiệm vụ chính sách công đa diện với nhiều mục tiêu bảo đảm ổn định tài chính (giải quyết rủi ro hệ thống), bảo vệ người tiêu dùng tài chính (giải quyết thông tin bất đối xứng) và tính toàn vẹn của thị trường tài chính (giải quyết các hành vi gian lận và tội phạm).

Đại diện của các ngân hàng thương mại nhận định, cần có khuôn khổ pháp lý để xác định được cá nhân/tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định của ngân hàng; minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thay vì giảm tỷ lệ sở hữu. Như vậy, cần làm rõ “người có liên quan” không chỉ trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi mà còn gồm Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Hôn nhân và gia đình.

Bên cạnh đó, quy định về công bố thông tin của tổ chức tín dụng cần chặt chẽ hơn so với các công ty đại chúng, công ty niêm yết theo Luật Chứng khoán 2019 (Luật Chứng khoán hiện hành yêu cầu công bố thông tin của cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng...). Nghiên cứu bổ sung quy định nghĩa vụ công bố thông tin đối với cổ đông (cả tổ chức và cá nhân), nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng trên một mức cụ thể.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và thanh tra về vốn, tình hình sở hữu của tổ chức tín dụng, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn... Trường hợp có dấu hiệu tội phạm, Ngân hàng Nhà nước chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ và xử lý để ngăn ngừa rủi ro. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó có việc tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng nhằm xử lý hiệu quả tình trạng lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn sở hữu chéo ngân hàng: Cần xây dựng “hàng rào” pháp lý hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.