Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ vết nứt mặt cầu

Tri Điền| 25/03/2010 07:47

(HNM) - Cuối cùng thì cơ quan chức năng cũng đã đưa ra kết luận bước đầu về nguyên nhân và hướng xử lý các vết nứt trên mặt cầu Thăng Long. Dẫu chỉ là bước đầu, nhưng thực sự là tin vui, bởi cầu Thăng Long là cây cầu đặc biệt quan trọng, "cửa ngõ quốc tế" ra vào Thủ đô Hà Nội.

Nhà thầu đã được yêu cầu nhập vật liệu "xịn" về để sửa chữa khắc phục sự cố. Thời gian sửa chữa chắc không lâu. Tuy nhiên, sự cố này đã phần nào khiến dư luận hoang mang về chất lượng các công trình xây dựng.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được thực hiện ngay giữa Thủ đô, được dư luận, báo chí đặc biệt quan tâm ngay từ những ngày chuẩn bị thi công, bởi ngoài ý nghĩa về nâng cao chất lượng công trình giao thông, đây còn là dự án sử dụng vật liệu mới, áp dụng công nghệ mới. Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cũng cẩn thận thành lập hẳn một Ban chỉ đạo về công tác tư vấn và nghiên cứu cho dự án. Vậy mà, dự án vừa hoàn thành mới đưa vào sử dụng thời gian ngắn đã xảy ra sự cố. Vấn đề đặt ra ở đây là, một dự án được quan tâm như vậy, mà vẫn xảy chuyện khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: Vậy tại các công trình khác thì sao, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ, nhận thức người dân có hạn, báo chí ít lui tới. Mà cũng chẳng nói đâu xa, cũng ngay tại Thủ đô, không ít đoạn hè phố vừa lát xong đã bị lún, sụt phải làm lại. Cũng không ít tuyến giao thông, trong đó có cả một số quốc lộ sau một thời gian sử dụng cũng phải cắm biển theo dõi bù lún.

Trong ngành giao thông cũng đã từng phát hiện một số vụ "rút ruột" làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Nếu không bị đưa ra ánh sáng, thì mặc nhiên công trình vẫn khánh thành, tồn tại và chẳng ai có thể biết trước hiểm họa sẽ bất ngờ xảy ra vào lúc nào. Vụ cọc mốc "bê tông cốt tre" trên quốc lộ 18 năm nào, hay vụ "rút ruột" cầu chợ Đệm (TP Hồ Chí Minh) xảy ra hơn 1 năm trước đây là những ví dụ không phải là khó tìm. Trong xây dựng dân dụng, chắc hẳn dư luận không thể quên hàng loạt sự cố "sập trần" (lớp vữa trát trên trần nhà) tại nhiều căn hộ chung cư, đặc biệt là nhà tái định cư. Tệ hại hơn nữa là các vụ "rút ruột" công trình bị phanh phui thời gian qua như công trình: Trung tâm hội nghị công đoàn Việt Nam, Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận Hai Bà Trưng)... Các vụ rút ruột công trình diễn ra ở nhiều nơi không chỉ ở thành phố lớn. Rõ ràng, "người trần, mắt thịt" không thể thấy được những hiểm họa rình rập ngay tại chính ngôi nhà mình đang sống...

Cả nước đang hướng đến đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hàng loạt công trình đang mọc lên không chỉ ở Thủ đô để chào mừng sự kiện trọng đại này. Vết nứt trên mặt cầu phẳng mịn dễ phát hiện và có thể chỉ là do một số mẻ mê tông nhựa nguội nhanh trong quá trình lu lên như báo cáo bước đầu về nguyên nhân sự cố. Nhưng đâu phải công trình nào cũng dễ phát hiện sự cố như ở mặt cầu Thăng Long. Có những vết nứt không nhìn thấy được. Đáng sợ nhất là vết nứt trong tinh thần trách nhiệm. Sự cố nứt mặt cầu có thể không lớn và chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng là hồi chuông cảnh báo đúng lúc để các nhà quản lý siết chặt công tác kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng, đặc biệt là những công trình hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, những công trình nghìn năm thực sự, phục vụ nhiều thế hệ sau này. Nếu không quản lý tốt, rất có thể hôm nay chưa xảy ra chuyện gì, nhưng thế hệ sau chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả. Đáng lo thay! Phải hành động ngay vì hôm nay và mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ vết nứt mặt cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.