(HNM) - "Một năm xung phong về đây công tác, em không ngại khó, ngại khổ, không sợ bất đồng ngôn ngữ, chỉ ngại nhất cán bộ và người dân địa phương coi mình là "dân ngoại lai". Trước khi phát ngôn điều gì, em phải nghĩ trước, nghĩ sau mới dám nói, chỉ sợ các bác phật lòng" - một cán bộ trẻ trong "Dự án 600 trí thức trẻ về xã nghèo" tâm sự.
Đối diện tư tưởng cục bộ địa phương được coi là thách thức lớn nhất đối với cán bộ trẻ khi về công tác tại các xã nghèo. Bởi trên thực tế, không ít cán bộ và người dân sở tại không ngại ngần bày tỏ: chả nhẽ một xã mấy nghìn dân không chọn được cán bộ mà phải cử cán bộ từ đẩu đâu về? Nhận thức như vậy nên đương nhiên, họ cũng không dễ thừa nhận trình độ, sự nhiệt huyết của người trẻ và cũng chẳng quan tâm, giúp đỡ để người trẻ hoàn thành nhiệm vụ và từng bước trưởng thành.
Ngoài biểu hiện "coi thường người trẻ", "không chấp nhận người ngoại lai" như ví dụ trên, "bệnh" cục bộ địa phương còn thể hiện ở thái độ không quan tâm đến lợi ích chung, chỉ nhăm nhăm tìm cách mang lợi cho địa phương mình, cơ quan mình, dòng họ mình, cho dù việc làm đó không hợp lý. Nó còn được thể hiện trong cách nghĩ "một người làm quan cả họ được nhờ". Khi dòng họ, địa phương có người được "làm to" tìm mọi cách "chăm lo" cho họ hàng, dòng tộc, địa phương, làm ảnh hưởng không tốt tới quyền, lợi ích chính đáng của số đông.
Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy tư tưởng cục bộ địa phương ăn sâu, ngấm lâu trong tiềm thức, lời nói và hành động của không ít cán bộ, thậm chí cả người dân ở vùng sâu, vùng xa. "Căn bệnh" này đã được Đảng ta chỉ rõ trong Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đó là: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau... sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ... kèn cựa địa vị, cục bộ...".
Tác hại của tư tưởng cục bộ địa phương quá rõ, phạm vi nhỏ thì cản trở sự phát triển của một hoặc vài cá nhân, phạm vi lớn thì ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đã đến lúc cần những biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn tư tưởng cục bộ địa phương như, tăng cường luân chuyển cán bộ; bố trí các chức danh chủ chốt cấp ủy, chính quyền không phải là người địa phương, đi kèm với đó là thường xuyên giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các biểu hiện cục bộ địa phương…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.